Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những vụ việc trao nhầm con: Đoàn tụ hay chia ly

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc trao nhầm con tại Bệnh viện (BV) đa khoa Ba Vì 6 năm trước xôn xao dư luận mấy ngày qua không phải là chuyện lần đầu xảy ra. Đây là lời cảnh tỉnh cho các BV tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trao nhận con trong sản khoa.

 Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì nơi xảy ra vụ trao nhầm con 6 năm trước
Khi mọi chuyện sáng tỏ
Không hề khó hiểu việc chị Vũ Thanh Hương (sinh năm 1983, Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội – một trong 2 người mẹ bị trao nhầm con tại BV Ba Vì 6 năm trước) vẫn đang chần chừ trong thủ tục trao đổi lại 2 đứa bé về với bố mẹ ruột. 6 năm chăm sóc bé Đoàn Nhật M., không ít lần cả nhà phải ôm bé đến BV Nhi T.Ư khám, rồi bao biến cố gia đình xảy ra nhưng hai mẹ con luôn cùng nhau vượt qua. Tình cảm không thể dứt, kể cả khi biết rõ M. không phải là con đẻ của mình. Còn nhớ, giữa năm 2016, hai bé gái cùng sinh tại BV đa khoa thị xã Bình Long (Bình Phước) năm 2013 cũng bị trao nhầm đã được về đúng với bố mẹ đẻ. Tuy nhiên, một năm đầu sau đó, chính bố mẹ đẻ của hai bé cũng phải thừa nhận, giúp hai con hòa nhập cuộc sống mới không dễ. Một người cha trong cuộc kể lại, giây phút chia tay đứa con đã nuôi nấng 3 năm, vợ chồng anh như cắt ruột khi đưa bé gào khóc “Con thương ba, sao ba bỏ con”. Và rồi, đêm đầu tiên nằm cạnh đứa con ruột của mình cũng không ngủ được vì bé liên tục khóc đòi mẹ.

Không chỉ trẻ nhỏ, ngay cả người lớn như chị Lê Thanh Hiền (sinh năm 1987, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng sốc khi biết mình không phải con đẻ của bố mẹ. Tìm hiểu sự việc, chị Hiền mới biết mình bị trao nhầm tại nhà hộ sinh Đống Đa 29 năm trước. Điều đáng nói, trong ngày 12/12/1987 mà chị Hiền được sinh có tới 5 người cùng sinh, nhưng địa chỉ trong hồ sơ ghi rất vắn tắt nên cuộc tìm kiếm người thân càng gặp nhiều khó khăn. Cùng thời điểm chị Hiền, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng phát hiện bị nhầm con tại nhà hộ sinh Ba Đình (nay là nhà hộ sinh 12 Lê Trực) 42 năm trước. May mắn, bà Hạnh tìm lại được con đẻ, song người con mà bà “nuôi nhầm” suốt 42 năm cũng gặp cú sốc tinh thần lớn.

Quy trình trao con nghiêm ngặt

Đa số các vụ trao nhầm con đều xảy ra do sự bất cẩn của y tá, điều dưỡng khi chăm sóc, tắm bé. Tuy nhiên, giờ đây, quy trình trao con ở các BV đều được thực hiện rất nghiêm ngặt. Tại 2 BV lớn là Phụ sản Hà Nội và Phụ sản T.Ư, để tránh việc trao nhầm trẻ, các nhân viên y tế phải chuẩn bị đầy đủ các cặp số đánh dấu sơ sinh giống nhau cho mẹ và con. Những số này phải được công khai và đeo theo từng cặp ngay tại bàn đẻ, bàn đón mổ. Người làm hồ sơ bệnh án có trách nhiệm nhìn, kiểm tra lại giới tính, số mẹ, số con trước khi ghi vào hồ sơ bệnh án. Việc trao trẻ cho mẹ được thực hiện tại giường bệnh và chỉ bàn giao con cho bà mẹ, không giao cho bất kỳ ai, trước khi giao phải đối chiếu số mẹ, số con trùng khớp, kiểm tra giới tính của trẻ. Các trường hợp đặc biệt khác phải do cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc, khi sản phụ chưa đủ sức khỏe để nhận biết trẻ, thì không được bàn giao con cho sản phụ...

Việc nhầm con là hy hữu, song nếu bất cẩn để xảy ra thì hậu quả khôn lường. Chính vì thế, nếu mỗi y tá, điều dưỡng ý thức thực hiện đúng, nghiêm túc các quy định, thì việc trao nhầm con rất khó xảy ra. Bên cạnh đó, chính những người thân trong gia đình, cũng nên chủ động nhớ các đặc điểm nhận diện của con mình ngay sau khi sinh để tránh những câu chuyện "dở khóc, dở cười".