1. Làm ca đêm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú
Một nghiên cứu của Hiệp hội ung thư Đan mạch khuyến cáo, phụ nữ thường xuyên làm việc về đêm có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn so với những người ít thức khuya. Nguyên nhân là do thức khuya hay hoạt động về đêm khiến cho đồng hồ sinh học của cơ thể bạn bị phá vỡ, quá trình sản xuất hormone tự nhiên của cơ thể bị cản trở và hoạt động không tốt. Bên cạnh đó, về ban đêm, phải tiếp xúc nhiều với ánh sáng sẽ làm hủy hoại loại hormone có chức năng ức chế khối u, vậy nên, nguy cơ mắc các bệnh ung thư nói chung cũng tăng.
2. Nước súc miệng có thể tăng nguy cơ ung thư vòm họng
Một cuộc nghiên cứu tại 9 quốc gia Châu Âu cho thấy, chăm sóc răng miệng không tốt hoặc sử dụng nước súc miệng quá 3 lần môt ngày cũng sẽ góp phần gây ung thư. Giáo sư Wolfgang Ahrens, người đứng đầu cuộc nghiên cứu thừa nhận rằng những người sử dụng nước súc miệng thường xuyên để át mùi thuốc lá và bia rượu cũng khiến nguy cơ ung thư vòm họng tăng cao. Theo các nhà nghiên cứu thì nước súc miệng chứa ethanol - chất vốn có liên quan đến ung thư họng vì nó có thể phá hủy các mô trong miệng.
Tiến sĩ David Conway, giảng viên lâm sàng cao cấp tại Trường Nha Khoa thuộc Đại Học Glasgow cho hay: “Nha sĩ kê đơn gồm cả nước súc miệng có thể khiến lưu lượng tuyến nước bọt của bệnh nhân trở nên thấp do tình trạng sức khỏe hoặc lọại thuốc họ uống. Tôi không khuyến khích bệnh nhân dùng nước súc miệng, thay vào đó người bệnh nên thường xuyên đánh răng với kem đánh răng có chứa chất fluoride kết hợp thêm việc kiểm tra định kỳ”.
3. Phơi nắng quá nhiều tăng nguy cơ ung thư da
Những người liên tục tiếp xúc với ánh mặt trời, nhất là không dùng kem chống nắng và tiếp xúc với ánh mặt trời gay gắt sẽ có nguy cơ bị ung thư da cao hơn nhiều so với những người biết bảo vệ da của mình dưới ánh nắng mặt trời. Đó là do làn da bị tác động và "tàn phá" bởi các tia bức xạ UV một cách quá mức khiến cho sức đề kháng của da bị phá hủy, các tế bào bị hư hại nhiều, tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Điều này về lâu dài sẽ dẫn đến ung thư da.
4. Ăn nhiều mỡ tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng
Các nhà khoa học đã chứng minh được là có khoảng hơn 30% số trường hợp ung thư liên quan đến chế độ ăn uống. Chế độ ăn, thức ăn có nhiều chất béo động vật gây tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và nhất là ung thư đại trực tràng. Đó là do ăn nhiều mỡ, chất béo động vật làm tiết chế nhiều axit mật - từ đó ức chế quá trình biệt hóa của các tế bào niêm mạc ruột.
Ngoài ra, nếu bạn ăn quá nhiều thịt thì có thể dễ dẫn đến nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt.
Ngược lại chế độ ăn có nhiều rau xanh, hoa quả và nhiều chất xơ có thể làm giảm nguy cơ các ung thư này.
5. Ăn nhiều thực phẩm ướp muối tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Các thực phẩm ướp muối thường có hàm lượng nitrit tăng do quá trình vi sinh khử nitrat có trong rau thành nitrit. Khi vào cơ thể, các nitrit sẽ tác dụng với amin bậc 2 có trong một số thức ăn như tôm, cá, đặc biệt là mắm tôm tạo thành hợp chất nitrosamin. Đây là chất được coi là có khả năng gây ung thư mạnh, đặc biệt là ung thư dạ dày. Chính vì vậy nên hạn chế ăn dưa muối, đặc biệt không ăn dưa khú.
Các chất nitrit và nitrat thường có tự nhiên trong các chất bảo quản thịt, cá và các thực phẩm chế biến sẵn. Vì vậy, tiêu thụ nhiều thức ăn có chứa nitrit, nitrat cũng có thể gây ung thư thực quản, dạ dày.