Nhượng quyền thương hiệu: Cơ hội để thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Những năm qua, nhượng quyền thương hiệu đã trở thành kênh đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài đưa hàng hóa vào thị trường Việt Nam. Đây cũng là mô hình để doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới. Tuy nhiên, hoạt động nhượng quyền thương hiệu Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần tháo gỡ.

Mảnh đất màu mỡ

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã cho phép hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam. Thông qua hoạt động này, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới ở các lĩnh vực như đồ ăn nhanh, khách sạn, nhà hàng cho đến mỹ phẩm, quần áo... đã  bước vào thị trường Việt Nam, ngày càng mở rộng quy mô.

Những cái tên điển hình như: McDonald’s, Baskin Robbins (Hoa Kỳ); Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken, Burger King (Singapore); Lotteria, Tous Les Jours, BBQ Chicken (Hàn Quốc); Swensen’s (Malaysia), Warehouse, Topshop, Coast London (Anh)… đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.

Pizza Hut tại trung tâm thương mại AEON-một trong những thương hiệu quốc tế nhượng quyền tại Việt Nam. Ảnh: Hoài Nam
Pizza Hut tại trung tâm thương mại AEON-một trong những thương hiệu quốc tế nhượng quyền tại Việt Nam. Ảnh: Hoài Nam

Theo Hiệp hội Nhượng quyền Thương mại quốc tế (IFA), Việt Nam được xác định là thị trường nhượng quyền hấp dẫn tại khu vực Đông - Nam Á. Các lĩnh vực tiềm năng cho các doanh nghiệp nhượng quyền bao gồm: Thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp và chăm sóc da, giải trí, dịch vụ trẻ em và cửa hàng tiện lợi. Việt Nam cũng được dự báo sẽ là điểm đến của các thương hiệu quốc tế, nhất là các thương hiệu ở khu vực ASEAN.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương TS Lê Đăng Doanh cho biết, việc phát triển kinh doanh theo hướng nhượng quyền giúp các doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn cũng như nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh. Đồng thời gia tăng doanh số, lợi nhuận từ nguồn thu chi phí nhượng quyền nâng cao giá trị thương hiệu, nâng tầm doanh nghiệp.

Kinh Do Bakery một trong những thương hiệu Việt thành công trong việc nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: Hoài Nam
Kinh Do Bakery một trong những thương hiệu Việt thành công trong việc nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: Hoài Nam

“Trong 3 năm tới xu hướng các thương hiệu vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là các thương hiệu đến từ khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines... sẽ có lợi thế nhờ thuận lợi về phương diện hậu cần, vận chuyển”- ông Doanh dự báo.

Lý giải nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh nhượng quyền thương hiệu tại thị trường Việt Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng: Hiện Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, có 8.475 chợ, 1.009 siêu thị và 210 trung tâm thương mại nên được các nhà đầu tư ngoại đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho hoạt động nhượng quyền thương hiệu. Ngoài ra, sức tiêu thụ cao, thu nhập của người dân ngày càng tăng và độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn cũng là những yếu tố thu hút doanh nghiệp ngoại tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường thông qua nhượng quyền thương hiệu.

Highlands Coffee một trong những thương hiệu Việt thành công trong việc nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: Hoài Nam
Highlands Coffee một trong những thương hiệu Việt thành công trong việc nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: Hoài Nam

Cơ hội cho thương hiệu Việt

Theo các chuyên gia kinh tế, việc nhượng quyền thương hiệu đã giúp doanh nghiệp thu về một khoản kinh phí nhất định, đồng thời mở rộng hệ thống kinh doanh qua đó nâng cao giá trị thương hiệu, vì vậy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhượng quyền thương hiệu ra quốc tế.

Phở 24 một trong những thương hiệu Việt thành công trong việc nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: Hoài Nam
Phở 24 một trong những thương hiệu Việt thành công trong việc nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: Hoài Nam

Chủ tịch Retail & Franchise Asia Nguyễn Phi Vân (hiện là cố vấn về nhượng quyền cho Chính phủ Malaysia) thông tin, cùng phát triển theo xu hướng của thế giới  nhiều thương hiệu Việt cũng mở rộng thị trường kinh doanh nhượng quyền ra nước ngoài rất thành công như Trung Nguyen Coffee, Pho 24, T&T, Cafe Bobby Brewers, Kinh Do Bakery, Wrap and Roll, Café Cong, AQ Silk, Shop and Go, Highlands Coffee…

Chẳng hạn trong lĩnh vực đồ uống, Highlands Coffee của Công ty CP Tập đoàn Việt Thái không những mở rộng và phát triển đạt tới con số ấn tượng cho chuỗi cửa hàng nhượng quyền có tên Highlands Coffee với 1.200 cửa hàng ở cả ở trong và ngoài nước. “Năm 2012, Jollibee (tập đoàn đến từ Philippines) đã chi ra 25 triệu USD để có quyền sở hữu chuỗi cửa hàng Highlands Coffee tại Thủ đô Manila. Điều đó cho thấy sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động nhượng quyền thương hiệu”-bà Vân dẫn chứng.

Cà phê Trung Nguyên một trong những thương hiệu Việt thành công trong việc nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: Hoài Nam
Cà phê Trung Nguyên một trong những thương hiệu Việt thành công trong việc nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: Hoài Nam

Mặc dù tiềm năng đưa thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài thông qua nhượng quyền còn rất lớn, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai do hoạt động này còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ.

Doanh nghiệp Việt Nam khi nhượng quyền ra nước ngoài không chỉ cạnh tranh quyết liệt với các nhà nhượng quyền quốc tế mà còn thiếu trình độ quản lý, chưa hoạch định chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp, ít quan tâm đến bảo hộ thương hiệu. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu nội địa mạnh, uy tín nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia nhượng quyền thương hiệu Việt.

Để khắc phục những yếu điểm này qua đó đưa thương hiệu Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế, TS Nguyễn Quốc Thịnh Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đề xuất, Chính phủ cần hoàn thiện hành lang pháp lý, phù hợp với các cam kết hội nhập mà Việt Nam đang tham gia. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường trọng tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội nghị xúc tiến qua đó nắm bắt cơ hội kinh doanh. Thành lập Hiệp hội nhượng quyền thương hiệu Việt Nam qua đó thúc đẩy hoạt động này phát triển, góp phần tháo gỡ khó khăn về tổ chức, điều phối và phát triển có định hướng loại hình nhượng quyền thương hiệu.

Highlands Coffee một trong những thương hiệu Việt thành công trong việc nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: Hoài Nam
Highlands Coffee một trong những thương hiệu Việt thành công trong việc nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: Hoài Nam

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước còn đòi hỏi doan nghiệp cần chủ động hơn trong việc xây dựng chiến lược thương hiệu và hệ thống kinh doanh mang tính đặc thù. Đồng thời, cần xác định tính khả thi của mô hình nhượng quyền đối với ngành nghề doanh nghiệp đang kinh doanh, tái cấu trúc, củng cố và phát triển nội lực doanh nghiệp trước khi chuyển sang áp dụng mô hình nhượng quyền. “Đặc biệt để đưa thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần xây dựng các nền tảng hỗ trợ thiết yếu trong nhượng quyền như nền tảng thương hiệu và tiếp thị, vận hành và cung ứng, phát triển hệ thống nhượng quyền”-ông Thịnh nhấn mạnh.