Niềm vui SEA Games cần nhân rộng!

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người cho rằng, SEA Games chỉ là cái “ao làng” so với giải châu Á và thế giới, đã đến lúc Việt Nam cần đầu tư nhiều cho các môn thể thao Olympic để thoát khỏi “ao làng”, vươn ra “biển lớn” - thế giới.

Nguyên Trưởng bộ môn điền kinh - Tổng cục TDTT Dương Đức Thuỷ chia vui cùng VĐV Nguyễn Tiến Trọng - HCV nội dung nhảy xa nam. Ảnh: Ngọc Tú.
Nguyên Trưởng bộ môn điền kinh - Tổng cục TDTT Dương Đức Thuỷ chia vui cùng VĐV Nguyễn Tiến Trọng - HCV nội dung nhảy xa nam. Ảnh: Ngọc Tú.

SEA Games 31 vừa kết thúc với sự thành công chung của đại hội và riêng của đoàn thể thao Việt Nam. Ngoài việc Việt Nam giành được nhiều huy chương, thắng cả hai trận bóng đá nam và nữ, điều quan trọng nhất theo chúng tôi, đó là đại hội đã đem lại niềm vui cho hàng triệu người theo dõi trực tiếp hay gián tiếp ở Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á!

Nhiều người cho rằng, SEA Games chỉ là cái “ao làng” so với giải châu Á và thế giới, đã đến lúc Việt Nam cần đầu tư nhiều cho các môn thể thao Olympic để thoát khỏi “ao làng”, vươn ra “biển lớn” - thế giới.

Đó là suy nghĩ không hẳn là sai. Ai mà chẳng muốn thể thao Việt Nam sẽ luôn có những huy chương Olympic như vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh đã làm được năm 2016? Đó cũng là mục tiêu phấn đấu của mọi nền thể thao đỉnh cao trên thế giới.

Tuy nhiên, mới đây, một facebooker nổi tiếng là Nguyễn Thành Nam (Nhà sáng lập - Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX) chia sẻ rằng, ông tỏ ra thích thú với “ao làng” SEA Games. Ông viết: “Mà Olympics thì cũng là một cái ao làng, to hơn thôi. Tiếc rằng giờ đã thành nơi phô diễn của kim tiền. No money - No medal, không tiền đừng mơ huy chương. Xa xôi với tuyệt đại đa số dân Việt.

“Còn ở đây (SEA Games 31 - NV), chúng ta được dịp phô diễn trọn vẹn cảm xúc sau những ngày bị dồn nén vì bệnh dịch. Được hòa vào những khán đài sôi nổi. Được đi bão. Bác xe ôm đầu ngõ được thao thao bất tuyệt bình luận về những trận bóng chuyền. Ông em con nhà võ được dẫn con đi xem tất cả các trận đấu các loại võ. Ông em nữa, ironman tự hào được đứng ra tổ chức môn duathlon giúp Việt Nam giành được huy chương vàng đầu tiên. Mấy ông em nữa thì rủ nhau chạy theo marathon rồi sảng khoái bỏ cuộc đi uống bia hơi”.

Ở đây, ông Nam đã có suy nghĩ đồng điệu với hàng triệu người, đó là SEA Games 31 đã thực sự đem lại món ăn tinh thần cho rất nhiều người dân, nhất là sau thời gian  dịch bệnh, các loại hình giải trí vắng bóng.

Là người chứng kiến các trận bóng đá, vài trận bóng chuyền, vài cuộc thi đấu của môn điền kinh…, chúng tôi thực sự thấy SEA Games 31 diễn ra rất hay, mang tính công bằng. Trong một trận bóng chuyền nữ, đội Việt Nam đấu đội Thái Lan, trọng tài đã báo Việt Nam có lỗi trong một tình huống nhạy cảm để đội Thái Lan có điểm lúc trận đấu đang mang tính quyết định thắng - thua. Trận đấu đã hay lại còn hay hơn do tính công bằng đó. Không phải không có lý do ở các sân chơi bóng đá nam - nữ, bóng chuyền, điền kinh, bóng bàn… lúc nào cũng đông nghịt người đến xem trực tiếp.

Từ tư duy “ao làng” hay “biển lớn”, chúng ta nên lượng giá lại về mục tiêu của thể thao đỉnh cao. Thể thao đỉnh cao với thành tích của nó sẽ thúc đẩy phong trào rèn luyện sức khỏe, từ đó nâng cao sức khỏe của đông đảo người tập luyện và ngược lại, từ phong trào tập luyện của đông đảo người dân, đặc biệt là lứa tuổi học đường, sẽ phát hiện nhân tố mới cho thể thao đỉnh cao. Ngoài mục tiêu đó, còn điều quan nữa: Cung cấp món ăn tinh thần hết sức làm mạnh cho người dân.

Do vậy, “ao làng” nhưng làm mọi người vui là quá tốt đi chứ!

Từ SEA Games 31 với niềm vui bất tận của rất nhiều người, thiết nghĩ cần duy trì giải này và đồng thời tổ chức nhiều giải quy mô lớn, nhỏ khác nữa, từ chuyên nghiệp đến nhiệp dư, từ khu vực đến quốc gia, rồi tỉnh thành, huyện, xã và nhất là các trường học… Có chơi thể thao, có thi đấu mới vui. Quan trọng là fair play, vui vẻ là chính.