Niềm vui an cư
Với đặc thù là địa hình đồi núi phức tạp, nhiều sông suối, giao thông đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa lũ, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét, lũ ống…, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Nhận thấy điều này, các cấp ủy, chính quyền xã Phước Gia đã chủ động xây dựng phương án, vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách của cấp trên để sắp xếp di dời hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng sạt lở, đưa người dân đến 2 khu tái định cư mới an toàn.
Khu tái định cư Nà Nổ, thôn Gia Cao, cách trung tâm xã Phước Gia chừng 3km là nơi sinh sống của 37 hộ dân đồng bào người Ca dong. Bà con đã thay đổi tập quán cũ, sống tập trung và di dời đến nơi ở mới an toàn hơn, không còn phải chịu cảnh bị cô lập ở bên những sườn núi, con suối mỗi mùa mưa bão đến.
Anh Hồ Văn Thọ (34 tuổi, thôn Gia Cao) là một trong những người đầu tiên về khu tái định cư chia sẻ, trước đây gia đình anh và một số hộ dân khác sống trong khu vực sườn núi, cách trung tâm xã gần chục cây số, mùa mưa về canh cánh nỗi lo lũ quét, đất đá sạt lở vùi lấp nhà cửa. Anh Thọ nhớ lại, trước kia sống gần như tách biệt, đường xá đi lại bất tiện, cuộc sống vô cùng khó khăn. Đặc biệt là cơn bão số 9 (Molave) năm 2020 khiến gia đình anh có một phen hú hồn. Mưa to gió lớn liên tục nhiều giờ liền khiến cây cối ngã đổ vào nhà anh, rất may cả gia đình núp dưới gầm giường nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Năm 2020, được nhà nước hỗ trợ, gia đình anh quyết định di dời đến nơi ở mới an toàn hơn.
“Được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà mới, tôi vui mừng lắm. Nơi đây vừa vui, vừa gần trung tâm xã, lại có điện thắp sáng, mọi thứ thật tuyệt vời. Tôi thực sự rất xúc động và biết ơn đến các cấp lãnh đạo địa phương đã hỗ trợ cho tôi có một căn nhà khang trang như thế này”, anh Thọ chia sẻ.
Cách khu tái định cư Nà Nổ chừng 7km về hướng Bắc, chính quyền xã Phước Gia cũng xây dựng khu tái định cư mới là Cây Sến, thôn Hạ Sơn. Nơi đây là “xóm mới” của 26 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét được xã di dời đến nơi an toàn.
Anh Hồ Văn Bê (27 tuổi, thôn Hạ Sơn) cho biết, trước kia hai vợ chồng anh sống trong nơm nớp nỗi lo sạt lở vì nhà nằm ngay dưới chân đồi. Mỗi lẫn mưa bão đến là vợ chồng anh tá hỏa đi tìm chỗ trú ẩn an toàn.
“Về khu tái định cư mới sống tôi cảm thấy an toàn và điều kiện tốt hơn nhiều so với trước đây. Chính quyền xã làm đường bê tông, lắp đặt điện thắp sáng, và hỗ trợ gia đình tôi đất sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống gia đình”, anh Bê nói.
Dân chung tay với chính quyền dựng làng mới
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi có chủ trương của xã về quy hoạch bố trí xây dựng 2 khu tái định cư Nà Nổ và Cây Sến, nhiều hộ đã đăng kí với chính quyền tự nguyện hiến đất để thực hiện dự án.
Mong muốn bản làng có được khu dân cư mới, ổn định hơn, ông Hồ Văn Điều (60 tuổi, thôn Hạ Sơn) đã hiến hơn 1ha đất của gia đình và cùng với chính quyền xã kêu gọi các hộ dân khác hưởng ứng hiến đất, để đảm bảo diện tích xây dựng khu tái định cư Cây Sến.
Ông Hồ Văn Điều chia sẻ: “Trước đây, người dân thường làm nhà theo từng nhóm khoảng 5 hộ, nằm phân tán ở lưng chừng sườn đồi, hoặc dọc theo khe suối nên thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ gặp phải lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. vì vậy tôi quyết định hiến đất cho xã để xây dựng, sắp xếp chỗ ở để bà con yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế”.
Ông Lê Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Phước Gia cho biết, thực hiện quyết định 574 của UBND huyện Hiệp Đức về việc rà soát quy hoạch bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, xã đã rà soát, quy hoạch và vận động nhân dân hiến đất xây dựng 2 khu tái định cư Nà Nổ (thôn Gia Cao) và Cây Sến (thôn Hạ Sơn). Qua đó sắp xếp ổn định chỗ ở cho gần 100 hộ dân thuộc diện bị ảnh hưởng thiên tai, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở. Ngoài ra, xã con hỗ trợ mỗi hộ dân 80 triệu đồng để xây dựng nhà mới.
“Có được kết quả như vậy là nhờ sự đồng thuận của Nhân dân, tinh thần đoàn kết của cộng đồng và sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Sắp tới, địa phương sẽ hỗ trợ bà con đất sản xuất, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn và cây con giống để bà con yên tâm phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương”, ông Lê Văn Phú nói.