Ninh Bình: Đồng hành cùng người yếu thế
Kinhtedothi – Những viên gạch, ngày công lao động, diện tích đất đủ để xây nhà… đã trở thành sức mạnh để kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn cho người nghèo gặp khó khăn về nhà ở tại Ninh Bình.
Ngỡ như giấc mơ
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là một chiến dịch “phá cũ làm mới” đơn thuần mà còn là hành trình tạo dựng niềm tin, vun đắp động lực và thắp sáng niềm tin cho người yếu thế.
Bà Bùi Thị Hiền ở phố 1 La Mai (TP Hoa Lư) là phụ nữ đơn thân, không có bất kỳ anh em họ hàng nào. Hộ bà Hiền là 1 trong 17 hộ được hỗ trợ xây nhà mới trong đợt này. Nhiều năm qua, một mình bà Hiền sống trong ngôi nhà đã xuống cấp, chi tiêu hàng tháng trông chờ vào khoản trợ cấp hộ nghèo ít ỏi nên hết sức khó khăn. Thỉnh thoảng hàng xóm láng giềng chạy qua chạy lại, người biếu chút thức ăn, người biếu chút hoa quả…

Năm 2024, toàn tỉnh Ninh Bình có 426 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở.
Theo tính toán, ngôi nhà của bà Hiền có diện tích 40m2, kinh phí xây dựng khoảng hơn 100 triệu đồng. Cùng với nguồn kinh phí chủ lực từ ngân sách của tỉnh với mức hỗ trợ 100 triệu đồng, Chi bộ phố 1 La Mai đã trích quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” của phố, huy động các đoàn thể tham gia đóng góp ngày công, vận động doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn cho nợ tiền mua vật liệu và phố sẽ có trách nhiệm chi trả khi có kinh phí cấp về cho gia đình…
Ông Đinh Văn Cao ở xóm 4, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô là bệnh binh mất 61% sức khỏe. Gia đình bệnh binh Đinh Văn Cao là một trong 15 hộ dân ở xã Yên Thắng được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở trong năm 2025.
Hơn 90 tuổi, ông Cao không nghĩ đến ngày có thể được ở trong ngôi nhà mới khang trang, ấm cúng, ngỡ như giấc mơ vậy. Ông Cao chia sẻ: “Các con tôi lập gia đình, có cuộc sống riêng nhưng còn khó khăn nên việc chăm lo cho bố mẹ cũng có mức độ. Căn nhà đang ở được xây dựng từ rất lâu rồi, tôi đã nghĩ mình sẽ gắn bó với nó suốt những tháng năm còn lại. Nhưng chính sách mới được ban hành, tôi thuộc diện được tỉnh hỗ trợ kinh phí để cải tạo nhà ở. Tôi rất vui mừng và thực sự xúc động”.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Ninh Bình được Trung ương đánh giá là địa phương trong tốp đầu của cả nước làm tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở. Đồng hành cùng các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, ngay cả trong những giai đoạn còn nhiều khó khăn, tỉnh luôn chủ động, tranh thủ lồng ghép với ngân sách địa phương và các nguồn lực huy động khác, ban hành các chính sách, đề án đặc thù phù hợp với địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, trong đó có hỗ trợ nhà ở cho hộ chính sách.
Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tham gia hiệu quả phong trào, phấn đấu sẽ hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong quý II/2025...
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, người có công luôn được Ninh Bình thực hiện với tinh thần chủ động và quyết liệt. Nổi bật, năm 2010, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành việc xóa nhà tranh tre, dột nát cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo theo Đề án 02 và Đề án 06 của HĐND tỉnh; giai đoạn 2015- 2020 có trên 3.000 hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22 và Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với tiêu chí, giải pháp cụ thể, làm cơ sở chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các cấp thống nhất tập trung chỉ đạo thực hiện bám sát quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND ngày 10/3/2023 và Nghị quyết số 31/2024/NQ-HĐND ngày 4/12/2024.
Mới đây, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 43 ban hành quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 với điểm nhấn là mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách thêm hộ người có công, hộ cận nghèo. Chính sách này đã mở ra hi vọng, giúp người có khó khăn về nhà ở thêm cơ hội hiện thực khát vọng an cư.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 8/4, toàn tỉnh có 1.162 hộ đã khởi công, trong đó xây mới là 767 hộ, sửa chữa là 395 hộ, đạt 86,85%. Trong đó, có 183 hộ hoàn thành việc xây, sửa nhà. Một số địa phương có kết quả thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát đạt cao như: Huyện Kim Sơn đạt 98,44%; huyện Yên Khánh đạt 96,15%; huyện Nho Quan đạt 95,86%; huyện Gia Viễn đạt 93,55%...
Thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn Ninh Bình, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã chung tay, chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, thực hiện chủ trương lớn của Đảng “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đến 31/10/2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước
Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 158/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ ba của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Thái Nguyên trao tặng Bắc Kạn 3 tỷ đồng vì mục tiêu xóa nhà tạm
Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Bắc Kạn (1900 - 2025), tỉnh Thái Nguyên đã trao tặng tỉnh Bắc Kạn 3 tỷ đồng để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo.

Nghệ An: dấu ấn chiến sĩ biên phòng trong chương trình xóa nhà tạm, dột nát
Kinhtedothi - Hưởng ứng phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, tại Nghệ An, thời gian qua đơn vị bộ đội biên phòng đã rất tích cực, nỗ lực cùng chính quyền các địa phương, Nhân dân các thôn, bản, vùng sâu vùng xa, biên giới thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.