Ninh Bình: hàng trăm người đội mưa gia cố đê bị sạt lở
Kinhtedothi - Chiều 22/7, mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 khiến tuyến đê bối tại xã Ninh Giang (Ninh Bình) bị sạt lở nghiêm trọng, dài khoảng 20m.
Theo chính quyền địa phương, nước sông dâng cao, xói chân đê gây sạt lở mặt đê tại các điểm xung yếu, đe dọa an toàn khu dân cư lân cận và vùng sản xuất nông nghiệp.

Ngay sau khi phát hiện, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và hàng trăm người dân đã khẩn trương tập trung tại hiện trường, triển khai phương án bảo vệ an toàn tuyến đê. Nguồn: VOV
Ngay sau khi phát hiện sự cố, chính quyền xã Ninh Giang cùng lực lượng chức năng và hàng trăm người dân đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, sử dụng bao cát, tre nứa và phương tiện cơ giới để gia cố các điểm sạt, đồng thời triển khai phương án bảo vệ an toàn toàn tuyến đê.
Đến tối cùng ngày, đoạn đê sạt lở đã được khắc phục tạm thời, đảm bảo an toàn trong điều kiện thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính quyền địa phương duy trì lực lượng túc trực xuyên đêm để theo dõi, sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh.
Tại xóm Ngọc Hùng (xã Nghĩa Lâm), mưa lớn kéo dài cũng khiến tuyến đê bao bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản ở xóm Ngọc Hùng bị sạt lở hàng chục mét. Mực nước sông dâng cao gây ngập úng tại nhiều khu vực trũng thấp, đe dọa sản xuất và đời sống người dân.
Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự xã Nghĩa Lâm đã huy động lực lượng công an, đoàn viên, thanh niên xung kích cùng người dân khẩn trương gia cố đê bao. Trước tình thế cấp bách, xã đã kích hoạt phương án "4 tại chỗ" để ứng phó sự cố. Đến cuối giờ chiều, các điểm sạt lở cơ bản được xử lý tạm thời, hạn chế nguy cơ vỡ đê nếu mưa lớn tiếp diễn.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Ninh Bình, tính đến 16 giờ ngày 22/7/2025, toàn tỉnh không ghi nhận thiệt hại về người, song thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng là đáng kể. Tổng diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng lên tới 77.548 ha, trong đó có 66.780 ha ngập trắng hoàn toàn, 7.345 ha ngập phất phơ và 3.423 ha ngập sâu đến 2/3 thân cây. Bên cạnh đó, 783 ha rau màu hè thu cũng bị ảnh hưởng do mưa lớn, ngập úng kéo dài. Trong lĩnh vực thủy sản, hàng chục nghìn hecta nuôi trồng, đặc biệt là khu vực ngoài đê bị ngập, đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế của người dân. Trước đó, các địa phương đã tổ chức sơ tán khẩn cấp 894 lao động tại 782 lều chòi ngoài đê, 891 lồng bè và 3.510 người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Về hạ tầng, tỉnh đã ghi nhận 2 điểm sạt lở nghiêm trọng tại đê bối Nam Quần Liêu (K1+850) và khu vực núi Vái Giời (phường Nam Hoa Lư), tuy nhiên đã được xử lý kịp thời theo phương án “4 tại chỗ”. Các trụ sở cơ quan, trường học, khu công nghiệp, trang trại chăn nuôi và cơ sở sản xuất cơ bản vẫn an toàn, không phát sinh thiệt hại lớn. Hiện các ngành chức năng và địa phương đang tiếp tục kiểm kê thiệt hại, triển khai các phương án hỗ trợ khôi phục sản xuất và ổn định đời sống Nhân dân.

Nghệ An: người dân xã Mường Xén chật vật chạy lũ
Kinhtedothi - Từ chiều tối 22/7, một số khu vực trung tâm xã Mường Xén (Nghệ An), nước lũ từ sông dâng nhanh gây ngập úng cục bộ. Chính quyền, người dân tất bật di dời đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn.

Hưng Yên: gần 26.000 ha lúa bị ngập úng do ảnh hưởng của bão số 3
Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 20 đến 22/7, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ tại nhiều vùng trũng thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Hải Phòng: một đoạn đê bối ở xã Vĩnh Thuận bị vỡ do bão số 3
Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước sông Thái Bình dâng cao khiến một đoạn đê bối ở xã Vĩnh Thuận (Hải Phòng) bị vỡ, nước lũ tràn trắng băng vùng đầm nuôi rươi của người dân.