Hưng Yên: gần 26.000 ha lúa bị ngập úng do ảnh hưởng của bão số 3
Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 20 đến 22/7, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ tại nhiều vùng trũng thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Môi trường, tổng diện tích lúa bị ngập úng trên toàn tỉnh vào thời điểm này khoảng 26.000 ha. Ngoài ra, khoảng 15 ha chuối bị đổ, gãy hoàn toàn do giông lốc. Một số vị trí bờ bao ở khu vực cửa sông, ven biển, vùng trũng thấp thuộc lưu vực sông Hồng, sông Trà Lý và các bãi bồi ven sông bị tràn nước.
Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp tiêu úng, vận hành linh hoạt hệ thống thủy lợi nhằm hạ thấp mực nước và chống úng hiệu quả.

Nông dân phường Vũ Phúc khơi thông rãnh thoát nước cho rau màu. Ảnh: Báo Hưng Yên
Tính đến 15 giờ ngày 22/7, toàn tỉnh đã vận hành 100 trạm bơm với 323 tổ máy để phục vụ tiêu úng, tập trung chủ yếu tại các vùng trọng điểm. Trong đó, khu vực phía Bắc sông Luộc có 77 trạm bơm với 207 tổ máy, khu vực phía Nam sông Luộc có 23 trạm bơm với 116 tổ máy.
Các cống tiêu chủ lực như Trà Linh I, Trà Linh II, Lân I, Lân II, Kênh Cầu, Lực Điền, Cống Tranh... cũng đã được vận hành liên tục để hạ thấp mực nước trong hệ thống, tạo điều kiện tiêu thoát nước nhanh, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và hạ tầng thủy lợi. Tuy nhiên, do mực nước ngoài sông và thủy triều dâng cao trong ngày 22/7, một số trạm như An Quốc, Trà Giang, Lịch Bài, Cống Múc tạm thời ngừng vận hành để đảm bảo an toàn công trình.
Ngành chức năng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, điều hành linh hoạt các công trình thủy lợi nhằm giảm thiểu thiệt hại do hoàn lưu bão gây ra. Riêng đối với lúa mùa mới cấy bị ngập cục bộ, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các công ty thủy lợi khẩn trương vận hành trạm bơm, mở cống dưới đê để tiêu thoát nước, tránh ngập kéo dài gây ảnh hưởng đến cây trồng.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng khuyến cáo người dân chủ động tiêu thoát nước ruộng, giữ mực nước ở mức 2-3 cm để lúa đẻ nhánh thuận lợi. Những diện tích lúa bị ngập cần thu dọn lá úa, tàn dư thực vật, sục bùn phá váng mặt ruộng để giúp cây lúa nhanh phục hồi. Sau khi lúa ra lá mới, nông dân cần bón thúc đúng kỹ thuật và dặm lại bằng mạ dự phòng nếu có cây mất dảnh.
Đối với rau màu, nông dân cần khơi thông rãnh thoát nước, tránh để đọng vũng trên mặt ruộng. Sau mưa, phải xới xáo, phá váng sớm, thu gom lá dập nát, cây bị sâu bệnh để tránh lây lan, đồng thời trồng dặm hoặc gieo lại ở những khu vực bị thiệt hại nặng, trong khung thời vụ cho phép.
Dự kiến, rạng sáng 23/7, khi mực nước sông xuống theo thủy triều, các địa phương sẽ tiếp tục mở tối đa các cống tiêu để bảo vệ diện tích sản xuất, đặc biệt là lúa và hoa màu vừa mới gieo trồng.

Phú Thọ: mưa lớn do bão số 3 gây thiệt hại, hơn 340 hộ dân phải sơ tán
Kinhtedothi - Ngày 22/7, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, do ảnh hưởng của bão số 3 (WIPHA), trên địa bàn đã xảy ra mưa to đến rất to, gây thiệt hại về nhà cửa, nông nghiệp, thủy lợi và làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại nhiều khu vực.

Sạt lở đê, ngập úng nhiều nơi ở Thanh Hóa do mưa lớn sau bão số 3
Kinhtedothi - Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 3 khiến nhiều khu vực tại Thanh Hóa bị ngập sâu, sạt lở nghiêm trọng tại các tuyến đê, quốc lộ và nhiều khu dân cư bị cô lập.

Khu vực nào ở Hưng Yên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3?
Kinhtedothi - Bão số 3 đang tiến sát đất liền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Hưng Yên. Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ ngày 21/7, địa phương bắt đầu hứng chịu mưa to đến rất to, gió giật mạnh, nước dâng, nguy cơ ngập úng và sạt lở ven biển. Các lực lượng chức năng đã phát đi cảnh báo khẩn, yêu cầu người dân, tàu thuyền chủ động ứng phó, tránh thiệt hại về người và tài sản.