Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ninh Bình nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo

Nguyễn Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, trong đó đặc biệt ưu tiên tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng xã hội, công tác giảm nghèo ở Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Năm 2022, Ninh Bình còn 9.614 hộ nghèo, chiếm 3,07%; 10.881 hộ cận nghèo, chiếm 3,48% thì tính đến hết năm 2024, tỉnh còn 4.806 hộ nghèo, chiếm 1,51%; 6.006 hộ cận nghèo, chiếm 1,89%.

Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh ban hành tháng 3/2023 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được cấp ủy, chính quyền các cấp, Mhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Một hộ nghèo huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình . Ảnh: Sở  TTTT Ninh Bình
Một hộ nghèo huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình . Ảnh: Sở  TTTT Ninh Bình

Mục tiêu tổng quát chung về giảm nghèo bền vững của tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn 2021 - 2025 là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện Nghị quyết số 43, đến hết năm 2024, đã có 921 hộ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí trên 78 tỷ đồng.

Mới đây, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 43 ban hành quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023- 2025 với điểm nhấn là mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách. Chính sách đậm tính nhân văn này sẽ là nguồn lực, động lực lớn giúp người nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở có cơ hội an cư.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Một trong những dự án trọng tâm, được kỳ vọng tạo sinh kế giúp người nghèo vươn lên đó là Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

Để thực hiện Dự án 4, Ninh Bình đã phân bổ 32,8 tỷ đồng (trong đó: phát triển giáo dục nghề nghiệp 16,8 tỷ đồng; hỗ trợ việc làm bền vững 16 tỷ đồng). Tuy nhiên, việc thực hiện Dự án 4 còn nhiều khó khăn, nhất là ở Tiểu dự án 1 về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương không thể mở được lớp đào tạo nghề nào dành cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Tại huyện Yên Mô, theo ông Bùi Văn Lợi, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Dự án 4 là một trong những chính sách rất ý nghĩa để mang lại sinh kế cho người nghèo. Tuy nhiên, đã gần hết giai đoạn 2021-2025, huyện Yên Mô vẫn chưa thể mở được lớp dạy nghề nào dành cho các đối tượng của Dự án 4. Nguyên nhân là do các đối tượng người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo phần lớn không còn khả năng lao động. Đối tượng còn lại thuộc diện hỗ trợ của Dự án là người lao động có thu nhập thấp thì cho đến nay, Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để rà soát người lao động có thu nhập thấp.

Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Để đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu giai đoạn, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn. Phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả, đúng mục đích, khơi thông điểm nghẽn để chính sách phát huy hiệu quả.