Ninh Bình sẽ là trung tâm văn hóa-lịch sử, du lịch cấp quốc gia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức công bố Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, đô thị Ninh Bình mở rộng có diện tích 21.052ha, gấp hơn 4 lần hiện nay, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Ninh Bình hiện tại và huyện Hoa Lư, xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn, xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô, xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh, một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình thuộc thị xã Tam Điệp, xã Sơn Lai và xã Sơn Hà thuộc huyện Nho Quan.

Về tính chất, đô thị Ninh Bình là trung tâm chính trị-hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh, đồng thời là trung tâm văn hóa-lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ; là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

 
Một góc Thành phố Ninh Bình.
Một góc Thành phố Ninh Bình.
Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa chiến lược và là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề, động lực để địa phương đổi mới, phát triển. Về quy mô dân số, đô thị Ninh Bình đến năm 2020 có khoảng 28,5 vạn người và đến năm 2030 có khoảng 40 vạn người. Không gian đô thị phát triển theo mô hình đô thị đa tâm gồm khu vực đô thị trung tâm và các khu vực đô thị phụ trợ.

Khu vực đô thị trung tâm gồm thành phố Ninh Bình và thị trấn Thiên Tôn cùng với các khu đô thị mở rộng về phía Nam (từ tuyến đường Ngô Gia Tự đến tuyến đường cao tốc Bắc-Nam) và khu đô thị mở rộng về phía Bắc (khu vực các xã Ninh Khang, Ninh Mỹ đến sông Hoàng Long ở phía Bắc, sông Đáy ở phía Đông và tuyến đường ĐT 477 kéo dài tránh Quốc lộ 1A ở phía Tây).

Các khu đô thị phụ trợ được xác định là khu đô thị Bái Đính; quần thể danh thắng Tràng An (Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tràng An-Tam Cốc-Bích Động, rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư); trung tâm Ninh Hải-Ninh Thắng, Ninh Vân, Mai Sơn. Khu vực nông thôn bao quanh sẽ hình thành vùng sinh thái nông nghiệp, đóng vai trò là vùng đệm xanh bảo vệ Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An.

Hệ thống giao thông, các điều kiện về kỹ thuật điện, cấp, thoát nước, hệ thống chiếu sáng, thông tin liên lạc, các giải pháp về môi trường… các dự án đầu tư cũng được quy hoạch, quản lý và triển khai thực hiện tương ứng với không gian theo 2 trục: Đông-Tây với đường và kênh Vạn Hạnh, trục Bắc-Nam với đường Đinh Tiên Hoàng là trục chính, đảm bảo cho cảnh quan, kiến trúc thành phố được xây dựng hài hòa, bền vững, phù hợp với lộ trình phát triển và đầy đủ các tiêu chí của đô thị loại 1 trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần