Với truyền thống “Tương thân tương ái”, “Nhường cơm sẻ áo” của dân tộc Việt Nam, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp và toàn xã hội đã chung tay chăm lo cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, quan tâm giúp đỡ người nghèo bằng nhiều hình thức, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn tỉnh từ 1,5 - 2% theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra.
Nhìn 2 con vui tươi, khỏe mạnh, vợ chồng chị Lê Thị Hồng Thúy và anh Trần Văn Thông, ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam luôn cảm kích sự trợ giúp của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Ninh Thuận đối với gia đình. Hai con của anh chị là cháu Trần Lê Thông Tin 13 tuổi và Trần Thị Diệu Tuyết 10 tuổi, khi sinh ra đều mắc bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe yếu, đau bệnh thường xuyên. Là hộ nghèo tại địa phương, để chữa trị cho 2 con, gia đình anh chị phải vay mượn bà con hàng xóm với số tiền nợ lên đến vài chục triệu đồng, nhưng bệnh tim của các cháu vẫn không giảm. Để chữa trị tận gốc phải phẫu thuật, với chi phí mỗi ca trên 70 triệu đồng.
Nhờ sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, năm 2014, cả hai cháu đều đã được phẫu thuật, đến nay sức khỏe ổn định. Chị Thúy nói: “Nếu không có sự hỗ trợ của Hội, em không biết phải làm thế nào. Chi phí mổ tốn cả trăm triệu đồng".
Từ năm 2010 đến nay, qua Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đóng góp, ủng hộ trên 40 tỷ đồng để chăm lo cho người nghèo trong tỉnh, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và giảm chi ngân sách tỉnh.
Xác định giảm nghèo bền vững là mục tiêu hàng đầu của công tác an sinh xã hội, Tỉnh ủy Ninh Thuận ban hành Chỉ thị số 25 về “Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015” ngày 21/10/2011. Với tổng nguồn vốn bố trí cho Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong 5 năm hơn 5.879 tỷ đồng, tỉnh Ninh Thuận đã giải quyết việc làm cho hơn 79.000 lao động; tổ chức 400 lớp dạy nghề cho hơn 12.700 lao động nông thôn tham gia, trong đó có 6.300 lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo; đã cấp gần 660.000 thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn có điều kiện chăm sóc sức khỏe; xây dựng và sửa chữa 7.600 căn nhà và 167 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.
Theo Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ninh Thuận phấn đấu trong 5 năm tới sẽ tạo việc làm cho 77.500 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 1,5 - 2%; hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đời sống cho Nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai; tập trung vận động mọi nguồn lực cho Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, ưu tiên đầu tư cho xã nghèo, huyện nghèo.
Bà Đặng Thị Phấn – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Ninh Thuận chia sẻ: “Thời gian tới, ngành LĐTB&XH tỉnh tiếp tục tăng cường xã hội hóa hoạt động chăm sóc người có công, thực hiện tốt hơn nữa các chế độ ưu đãi như chăm sóc y tế, giáo dục, nhà ở, việc làm, dạy nghề cho Nhân dân”.
Với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp và toàn xã hội cùng chăm lo cho công tác an sinh xã hội, thời gian tới, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các chương trình, dự án phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khám bệnh cho gia đình chính sách và người nghèo tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Ảnh: Trang Nhung
|