Níu giữ giá trị truyền thống gia đình trong giới trẻ

Thúy Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gia đình là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng, giáo dục con người.

Gia đình là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng, giáo dục con người.  Ảnh: Việt Dũng
Gia đình là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng, giáo dục con người. Ảnh: Việt Dũng

Những chuẩn mực và giá trị tốt đẹp của gia đình sẽ củng cố các mối quan hệ gia đình và tạo môi trường thuận lợi cho mỗi cá nhân phát triển. Tuy nhiên, với sự giao lưu hội nhập văn hóa phương Tây những giá trị gia đình mang tính truyền thống của Việt Nam đang bị lung lay. Làm gì để níu giữ những giá trị đó là băn khoăn không chỉ của thế hệ lớn tuổi mà còn của rất nhiều người trẻ hướng về truyền thống.
Cơn sốt rap để giật mình về những yêu thương
Một bản rap vừa ra đời chỉ vài ngày trước khi kết thúc năm 2021 đã nhanh chóng trở nên rất được ưa chuộng và tên bài hát trở thành một trend mà rất nhiều người yêu thích dẫn lời trên trang cá nhân. Những câu hát “Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ”, “Tiếng nói đầu tiên là do ai dạy? Nét chữ đầu tiên là tay ai cầm? Sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa? Vấp ngã đầu đời là được ai nâng? Chính là mẹ”… trong bản rap do Đen Vâu thể hiện như một lời thức tỉnh câu chuyện mưu sinh vẫn đang diễn ra hằng giờ, và đôi khi vì mải miết kiếm tiền mà không ít người lơ là chuyện gia đình.
Không hẳn vì nhiều người hâm mộ Đen Vâu hoặc vì tò mò với sản phẩm âm nhạc mới này mà biến “Mang tiền về cho mẹ” thành một hiện tượng, điều đáng nói chính là nhiều người nghe, người xem đã thấy mình trong câu chuyện của ca sĩ: Đó là lòng mong mỏi, khao khát được đoàn viên với người thân, ngay trước thềm năm mới, đặc biệt là sau một năm đầy biến động, xa cách, chia lìa do đại dịch. Bài hát vừa nói lên tấm lòng của những đứa con dành cho đấng sinh thành, lại vừa như rót mật vào tai quý phụ huynh là khán giả lớn tuổi về thứ hương vị gọi là Gia đình.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - nguyên Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam): “Trong 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống xã hội, làm thay đổi, xáo trộn nhiều hoạt động mang tính truyền thống, định kỳ của rất nhiều gia đình. Chẳng hạn, do bị cách ly, phong tỏa, giãn cách…, nhiều người đã không thể về thăm người thân, trở về gia đình, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, nhu cầu mang yêu thương cũng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, để mỗi thành viên giảm đi sự trông ngóng các người thân của mình”. Hơn nữa, sự gắn bó với gia đình của từng cá nhân trong xã hội cũng đã khác xưa, bởi đời sống mưu sinh cũng như quan niệm sống, nên bản rap ra đời như khơi gợi giá trị đã là truyền thống của Việt Nam.
Cởi mở khiến nền tảng gia đình lung lay
Không chỉ thế hệ của ca sĩ Đen Vâu mà ở nhiều lớp trẻ trước tuổi Đen Vâu đều có xu hướng tách khỏi gia đình ngay cả khi còn chưa lập gia đình. Mô hình đa thế hệ - “Tam đại đồng đường”, “Tứ đại đồng đường” sống chung một nhà dần xa vời. Giới trẻ đang đi theo một lối sống mới, tự do, độc lập và không phụ thuộc vào bất kì ai để tự cảm nhận sự trưởng thành của bản thân.
Sau khi bước chân vào cánh cửa đại học, Đ.H.Y (19 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã quyết định xin ra ở riêng vì muốn được tự lập và sống theo cách của riêng mình. Hơn một năm ở riêng, cô gái nhỏ nhắn đã ổn định được cuộc sống của mình, cân bằng giữa việc học và duy trì nguồn thu nhập đủ để trang trải cuộc sống qua các công việc bán thời gian. Ông Đỗ Thái Đăng - Giám đốc Công ty Giáo dục Nhân tài Đất Việt cho rằng: “Người trẻ luôn có tâm lý làm mọi thứ mình thích, làm mọi thứ mình thấy tự do, thoải mái và chỉ cần vui là được nên rất dễ đi đến những quyết định “cảm tính” nếu để tự bản thân mình tự quyết”.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình thông tin: Qua một số nghiên cứu gần đây cho thấy quan điểm về hôn nhân của thanh niên cởi mở hơn, hiện đại hơn với một số hiện tượng hôn nhân gia đình mới. Càng trẻ càng có xu hướng chấp nhận hiện tượng độc thân hơn người lớn tuổi. Các kiểu loại gia đình mới như hôn nhân đồng giới, chung sống không kết hôn, làm mẹ đơn thân, tùy từng giai đoạn, thường rất hiếm hoặc không có trong truyền thống nhưng lại có xu hướng gia tăng trong các xã hội đang chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, hiện đại. Những xu hướng gia đình mới trong xã hội hiện đại cho thấy, giới trẻ ngày nay có cách nhìn khá cởi mở với những hiện tượng này.
Giải pháp giữ gìn hệ giá trị không thể thay thế
Theo các chuyên gia, gia đình với những giá trị tình cảm, đạo đức, tâm lý, con cái… không thể thay thế trong sự phát triển của xã hội, những giá trị đó sẽ là những giá trị có tính định hướng đến hành động, suy nghĩ của thế hệ trẻ trong việc xây dựng một tương lai Việt Nam phát triển bền vững. Để phát huy giá trị hôn nhân, gia đình đối với thế hệ trẻ Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp để thúc đẩy những giá trị tích cực.
Chuyên gia Đỗ Thái Đăng nhận định, giải pháp chủ yếu là tăng cường các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bình đẳng giới đối với thế hệ học sinh, sinh viên là vô cùng quan trọng. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt đồng bộ các chương trình giáo dục giá trị gia đình, hôn nhân đối với thế hệ học sinh, sinh viên (ít nhất từ học sinh THCS có thể hiểu được những giá trị hôn nhân và gia đình). Các hoạt động đó sẽ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ, trẻ em gái tới những giá trị được tôn trọng, được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, được tự thể hiện bản thân, được hạnh phúc, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trên mọi lĩnh vực vực đời sống - xã hội. Các hoạt động truyền thông nên sử dụng các kênh sáng tạo, tiếp cận được gần hơn với giới trẻ như qua mạng xã hội, youtube, tik tok… Sự lan tỏa các giá trị hôn nhân, gia đình nên được truyền thông một cách gần gũi, tránh dạng “ khẩu hiệu” để có thể tiếp cận và lan tỏa giá trị đến giới trẻ một cách chân thành, bình dị.
Việt Nam cũng cần có những nghiên cứu quốc gia về thế hệ trẻ Việt Nam định kỳ nhằm tìm hiểu những mong đợi, xu hướng tình cảm cũng như nhận định của giới trẻ về những giá trị gia đình, hôn nhân, cuộc sống, công việc; từ có những hoạt động can thiệp phù hợp với mong muốn, nhận định của giới trẻ, giúp cho giới trẻ phát triển toàn diện, lành mạnh. Cần có sự quan tâm đến các giá trị của nhóm thuộc khu vực kém phát triển, khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo… để có thể xây dựng các hoạt động mang tính nền tảng từ góc độ của nhà quản lý. Đồng thời, phát triển mạng lưới hỗ trợ về dịch vụ xã hội, tư vấn xã hội cho các nhóm hiện đại, đang có xu hướng theo những giá trị hiện đại của gia đình đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, ích kỷ len lỏi vào trong quan điểm, nhận định của giới trẻ.

 

"Gia đình Việt Nam vẫn rất gắn bó nếu so với nhiều nước khác trên thế giới và trong khu vực. Kiểu gắn bó của gia đình Việt rất khác. Các gia đình buổi tối vẫn thích về ăn cơm với nhau. Và điều quan trọng hơn người Việt Nam từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành đều có suy nghĩ rằng việc có gia đình là đương nhiên, chuyện kết hôn, có con cái cũng vậy.

Ở Việt Nam không ai đặt ra câu hỏi mình nên kết hôn không, nên có con không mà chỉ do hoàn cảnh không thuận lợi hoặc khó khăn để kết hôn hoặc không thể có con được… Qua đó có thể thấy gia đình đối với người Việt Nam vô cùng quý báu, có giá trị hơn tất cả mọi thứ. Mặc dù chúng ta thấy mối quan hệ gia đình có vẻ lỏng lẻo nhưng gia đình vẫn có giá trị thiêng liêng nhất." - Viện trưởng Viện Phát triển xã hội - TS Khuất Thu Hồng

"Hội nhập và phát triển là xu hướng chung của thời đại, nhưng trong nền kinh tế thị trường đã tác động rất lớn đến từng thành viên trong mỗi gia đình. Làm thế nào để phát triển nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế nhưng vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình, không làm mai một văn hóa dân tộc đang là việc cần phải làm. Trong xu thế hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa với các nước đang làm biến đổi đến cấu trúc chức năng gia đình.

Để giữ gìn truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình thì ông bà, cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo. Truyền thống gia đình chính là sự níu kéo hữu hiệu nhất đối với con người khi không may sa chân lỡ bước.

Sức mạnh của gia đình đã giúp cho nhiều con người lầm lỡ trở về làm người lương thiện. Vai trò của mỗi gia đình trong xã hội hiện đại đòi hỏi càng phải nỗ lực hơn, hoàn thiện hơn, trách nhiệm hơn, có như vậy mới góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - TS Nguyễn Viết Chức (Lan Ngọc ghi)