Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ, chậm ban hành văn bản cụ thể hoá Luật “nóng” nghị trường Quốc hội

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đại biểu Quốc hội cho rằng, tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, gây khoảng trống pháp luật. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.
Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Ngày 15/8, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 25, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn.

Còn tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm mà chưa được khắc phục, gây khoảng trống pháp luật. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Tham gia chất vấn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) nêu rõ, trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, tình trạng ban hành chậm mới chỉ được khắc phục căn cơ, có những nội dung đã được kiến nghị nhiều lần trước đây nhưng chưa được ban hành, hoặc ban hành chưa đúng thẩm quyền, không đúng với quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và trách nhiệm của Bộ nhằm khắc phục tình trạng chậm và nợ văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới?

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước). Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước). Ảnh: Quochoi.vn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, thực tế việc chấp hành nguyên tắc xây dựng pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa nghiêm. Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan trình dự án Luật phải trình kèm theo các dự thảo hướng dẫn. Đại biểu đề nghị trong thời gian tới Bộ trưởng cần có giải phải pháp cụ thể hơn để khi trình các dự án Luật phải kèm theo các dự thảo hướng dẫn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, thực tế việc chấp hành nguyên tắc xây dựng pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa nghiêm. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, thực tế việc chấp hành nguyên tắc xây dựng pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa nghiêm. Ảnh: Quochoi.vn.

Vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Thị Vân và đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc nợ, chậm ban hành văn bản là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm. Số văn bản nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định, tuy nhiên, năm 2021, số lượng văn bản nợ, chậm tăng.

Trong thời gian qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội cũng có báo cáo về vấn đề này, tuy nhiên số liệu chưa tương đồng. Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu để đảm bảo tương thích về các chi tiết, tuy nhiên, về tổng thể, có thể khẳng định tình trạng chậm, nợ văn bản là sự thật. Dù đã rất cố gắng, nhưng có những Nghị định nợ lâu, chưa xử lý được, ví dụ như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, xử lý cho Bộ luật Lao động; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết, do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số Nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành Nghị quyết thay thế… Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định đảm bảo tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng cũng cho biết, Quy định 69 về xử lý, kỷ luật tổ chức Đảng đối với Đảng viên là công cụ rất mạnh, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo trình quy định của Bộ Chính trị về một số giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản. Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, trong xây dựng pháp luật, cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn.

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chia sẻ trong quá trình soạn thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có tranh luận gay gắt việc quy định trình dự án luật phải trình kèm theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành. Tuy nhiên, thực tế thực hiện rất khó khăn, nhiều ý kiến đề xuất xin thôi không thực hiện quy định này.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, mặc dù đây là quy định tốt nhưng không khả thi. Nếu những nội dung đã dự thảo được trong dự thảo nghị định thì đã quy định luôn trong luật. Mặt khác, nếu làm nghị định như vậy là bỏ qua các bước khác trong quy trình ban hành văn bản. Thực tế có một số các dự thảo luật trình kèm dự thảo nghị định nhưng so với bản ban hành thì nghị định thay đổi gần như toàn bộ.