Nợ công châu Âu vẫn bế tắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussel, Bỉ đã khép lại ngày 23/10 với việc giới lãnh đạo khu vực đạt được một vài tiến bộ hướng tới một chiến lược nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro (Eurozone).

Đức - Pháp mâu thuẫn,   EU chịu trận

Tuy nhiên, các quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra cho tới hội nghị thượng đỉnh lần tới, dự kiến vào ngày 26/10, do những bất đồng sâu sắc về các vấn đề như phương thức tăng vốn cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) và mức độ thiệt hại mà các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu chính phủ Hy Lạp phải gánh chịu. Hội nghị ngày 23/10 đã thảo luận ba vấn đề chính là ổn định tình hình tại Hy Lạp, tái cấp vốn cho các ngân châu Âu và tăng quỹ cứu trợ cho khu vực Eurozone. Mặc dù đạt được một vài tiến bộ, chẳng hạn trong vấn đề tái cấp vốn các ngân hàng, hội nghị dường như vẫn bế tắc do Pháp và Đức không giải quyết được những chia rẽ liên quan đến vấn đề mở rộng quy mô của EFSF, và "mọi chuyện" sẽ phải chờ tới hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào giữa tuần này.

Trong khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất tăng vốn cho EFSF bằng cách cho phép quỹ này có thể vay tiền không hạn chế (có thể lên tới 2.000 tỷ euro) từ Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) nhằm đối phó với khủng hoảng. Tuy nhiên, phương thức này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Đức, do Berlin lo ngại biện pháp đó sẽ buộc ECB in thêm tiền và không thể bảo đảm sự ổn định của đồng euro. Bên cạnh đó, biện pháp nói trên cũng sẽ tăng rủi ro cho Đức vì nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ phải mất thêm các khoản tiền mà họ bảo lãnh. Trong khi đó, Đức đề nghị thay vì cung cấp các khoản vay, EFSF sẽ trở thành một kiểu công ty bảo hiểm tín dụng, chịu trách nhiệm phần trăm nhất định của các trái phiếu chính phủ mà các nước mắc nợ bán trên thị trường. Song, biện pháp của Đức sẽ làm tăng khoản cứu trợ của EFSF lên tới hàng nghìn tỷ euro. Ngoài ra, Đức và Pháp cũng bất đồng về mức độ thiệt hại của những nước nắm giữ nợ của Hy Lạp và vấn đề nâng dự trữ của các ngân hàng châu Âu. Tuy vậy, Pháp và Đức đã đạt được thống nhất về việc đánh thuế đối với các giao dịch tài chính và yêu cầu Italia đưa ra các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm mức nợ công quá cao hiện nay.

Dầu châu Á "dựa hơi" tăng giá

Dù không đưa ra con số cụ thể, song các nhà lãnh đạo EU đang thuyết phục các ngân hàng chấp nhận phần thiệt hại ít nhất 50% lượng trái phiếu mà họ nắm giữ của Athen. EU cũng muốn các ngân hàng này tăng dự trữ vốn lõi, ước lên tới 107 - 108 tỷ euro, nhằm đảm bảo những mất mát đó không đẩy họ vào tình trạng sa lầy. Nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng nợ công tái diễn, EU cam kết sẵn sàng thay đổi các hiệp ước của khối, tạo điều kiện pháp lý để Eurozone hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn, đồng thời siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với những nước vi phạm các quy định của EU.

Trong khi đó, chiều 24/10, giá dầu trên thị trường châu Á tiếp tục tăng, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán tăng điểm, nhờ tâm lý lạc quan của giới đầu tư, sau hội nghị thượng đỉnh hôm 23/10 của EU. Thêm vào đó, "sắc xanh" trên các thị trường chứng khoán cũng tạo hy vọng tích cực cho giới giao dịch rằng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ gia tăng, nhân tố thúc đẩy "vàng đen" lên giá. Cụ thể, tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 12/2011 tăng 66 cent  lên 88,06 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 12/2011 tăng 65 xu lên 110,21 USD/thùng. Jonathan Barratt, Giám đốc điều hành của Công ty Commodity Broking Services, có trụ sở tại Sydney, nhận định tâm lý của các nhà giao dịch trên thị trường đang được cổ vũ trước những dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đưa ra một kế hoạch để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần