Nợ công Hy Lạp - bóng đen quen thuộc trên bàn họp G7

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, vấn đề nợ công của Hy Lạp, dù không chính thức nằm trong chương trình nghị sự, vẫn làm nóng các phiên thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 diễn ra từ 28-30/5 tại Dresden, Đức.

Tại buổi họp, Hy Lạp với tuyên bố suy thoái, tăng trưởng âm trong quý I/2015 và lượng tiền gửi thấp kỷ lục đã phủ bóng đen lên bàn nghị sự. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp bày tỏ mong muốn một thỏa thuận toàn diện bao gồm việc giảm nợ; đồng thời cho biết nước này sẽ áp dụng các biện pháp đối diện với khủng hoảng tạm thời như tăng thuế. Đáp lại, các chủ nợ IMF và ECB vẫn tỏ thái độ khá nghi ngại.

 
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng các nước G7 cùng đại diện IMF, WB bàn về vấn đề nợ công Hy Lạp.
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng các nước G7 cùng đại diện IMF, WB

bàn về vấn đề nợ công Hy Lạp.
Không đưa ra được thỏa thuận tài chính cho đến ngày đáo hạn gói cứu trợ 30/6 rất có thể đồng nghĩa với việc Hy Lạp chính thức vỡ nợ cũng như kéo quốc gia này tới gần nguy cơ ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hơn bao giờ hết.

Sớm tìm ra giải pháp cho khủng hoảng Hy Lạp không phải chỉ là mong muốn của châu Âu. Mỹ đã thúc giục các chủ nợ linh hoạt hơn trong việc đàm phán vì lo ngại một cuộc khủng hoảng mới sẽ diễn ra một khi Hy Lạp ra khỏi eurozone. Nguy cơ đồng euro trượt giá một khi mắt xích Hy Lạp không còn có thể khiến đồng đô la Mỹ tăng vọt. Trong khi kinh tế Mỹ đang hướng tới sự ổn định, điều này có thể khiến đà phục hồi, kết quả của 3 gói QE nổi tiếng tan thành mây khói.

Một nguyên nhân khác là khả năng Nga sẽ can thiệp một khi Hy Lạp vỡ nợ thực sự. Bên cạnh liên tục đề nghị các cứu trợ tài chính cho Athens trong một thỏa thuận khí đốt chưa có hồi kết, Moscow từng đề xuất Hy Lạp tham gia vào khối các nền kinh tế mới nổi BRICS trong những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng thông qua mắt xích yếu của Eurozone.

Tuyên bố chung của Hội nghị sẽ được đưa ra vào hôm nay 30/5 với những quyết sách mới giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu cũng như tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ đang sắp bước vào đoạn quyết định của Hy Lạp.