Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ đọng: nỗi lo của doanh nghiệp xây dựng

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến năm thứ 3, ngành Xây dựng Việt Nam đối diện hàng loạt khó khăn lớn, khiến các nhà thầu suy yếu nghiêm trọng. Để có thể trở lại DN sẽ còn phải đợi chờ thêm nhiều năm nữa.

Nợ đọng là nỗi lo âm ỉ đối với các DN xây dựng. Ảnh: Hải Linh
Nợ đọng là nỗi lo âm ỉ đối với các DN xây dựng. Ảnh: Hải Linh

Lo trả nợ

Theo báo cáo của Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex, kế hoạch kinh doanh năm 2024 đặt mục tiêu tổng doanh thu 15.000 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2023. Lãi sau thuế mang về 950 tỷ đồng, tăng 140% so với năm trước. Với công ty mẹ, mục tiêu doanh thu 10.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 291% so với cùng kỳ.

Đối với phương án phân phối lợi nhuận, Vinaconex dự định chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12%. Tương đương việc mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận được 12 cổ phiếu mới phát hành thêm. Tổng lượng cổ phiếu phát hành khoảng 64 triệu cổ phiếu.

Dự kiến công ty thu được khoảng 1.197 tỷ đồng và số tiền này sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ đến hạn trong 2 năm tới bao gồm nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhà thầu, nhà cung cấp đến hạn trả trong năm 2024, 2025. Tính đến cuối năm 2023, nợ phải trả của Vinaconex chiếm 20.453 tỷ đồng, tổng dư nợ vay là 11.098 tỷ đồng, với nợ vay ngắn hạn 6.946 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn là 4.962 tỷ đồng.

Trong khi đó, câu chuyện của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vì các khoản nợ phải thu, tuổi nợ và định giá khiến lợi nhuận sau thuế thu nhập khi được kiểm toán chênh lệch 60 lần so với số liệu báo cáo tài chính do DN tự lập giảm 333 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cho thấy vốn chủ sở hữu của Tập đoàn từ 1.191 tỷ đồng đã giảm xuống chỉ còn gần 93,381 tỷ đồng, hơn 92% so với năm 2022. DN cũng báo nợ phải trả lên đến con số gần 15.156 tỷ đồng.

Tập đoàn lỗ lũy kế hơn 3.240 tỷ đồng và một số khoản nợ quá hạn thanh toán. Khoản lỗ lũy kế năm 2022 cũng chỉ là 2.128 tỷ đồng, lũy kế lên đến con số âm 34,3% so với cùng kỳ. Đến ngày 31/12/2023, khoản phải thu của là 10.669 tỷ đồng (chiếm 70% tổng tài sản), DN phải trích lập dự phòng 2.476 tỷ đồng nợ khó đòi. Trong khi đó, nợ phải trả của Hòa Bình là 15.156 tỷ đồng (nợ vay là 4.718,3 tỷ đồng).

Với sự chênh lệch lớn, đại diện Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, trong báo cáo quản trị chỉ xác định những số liệu liên quan đến vốn chủ sở hữu của Hòa Bình, chưa phù hợp với thực tế khi áp dụng chế độ kế toán của Việt Nam chứ không thay đổi bất cứ một số liệu nào khác

Đại diện các DN trong ngành nhìn nhận, ngành xây dựng có mối liên hệ mật thiết với bất động sản, nên kể từ khi ngành bất động sản khó khăn, ngành xây dựng cũng đi xuống, nhất là với các DN xây dựng dân dụng, thương mại. Hầu hết nhà thầu đã từng hoặc đang tồn tại các khoản nợ khó đòi, phải trích dự phòng nợ xấu và áp lực từ nợ đọng có thể khiến DN xây dựng kiệt sức, mất khả năng phục hồi.

Vượt qua khó khăn

Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Thành Building Trần Văn Hòa cho rằng, để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ngành xây dựng phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, lạm phát đã và đang tác động mạnh đến giá bán bất động sản.

"Nhiều trường hợp nhà thầu thi công công trình đúng thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết nhưng vẫn gặp quá nhiều lý do nên không thể thanh lý được hợp đồng hoặc trả nợ bằng sản phẩm. Nhưng trong thời điểm hiện tại, việc trả nợ bằng sản phẩm chẳng khác nào chuyển khó khăn cho người khác" - ông Trần Văn Hòa cho biết.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Hòa cũng nhìn nhận, với những chính sách và biện pháp quyết liệt của Chính phủ, tình hình sẽ sáng lên. Còn để ngành xây dựng trở lại thời kỳ hưng thịnh sẽ phải thêm một khoản thời gian chờ đợi nữa.

Đối mặt với thực trạng thiếu nguồn việc, cạnh tranh giữa các DN và chi phí đầu vào tăng cao các DN buộc phải tái thiết mô hình kinh doanh, tìm những hướng chiến lược mới để thoát khỏi khủng hoảng. Theo nhiều chuyên gia trong ngành nhìn nhận, đa dạng hóa nguồn thu đến từ nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau đang được nhiều DN lựa chọn.

Như Coteccons mua lại toàn bộ vốn góp của hai DN nhôm kính và cơ điện có kinh nghiệm trong thi công sân bay, giao thông công cộng là Công ty TNHH Sinh Nam Metal Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam (UG M&E).

Những năm qua, Coteccons đã mở rộng phạm vi hoạt động ra nhiều mảng khác nhau của thị trường xây dựng. Từ chuyên mảng xây dựng dân dụng, thương mại, Coteccons tiếp tục "lấn sân" sang xây dựng công nghiệp, mà tiêu biểu là việc trúng thầu xây dựng Nhà máy Lego tại Bình Dương trị giá 1,3 tỷ USD vào tháng 8/2022.

Dự án này không chỉ đánh dấu cho thời kỳ tăng trưởng mới mà còn cho thấy công ty đã tiếp cận thành công với tệp khách nước ngoài, vốn được đánh giá là khó và cũng là “màu mỡ” nhất hiện nay.