Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 8.600 tỷ đồng vì bệnh thành tích?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả đánh giá của Bộ NN&PTNT về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cho thấy, ở một số địa phương còn tình trạng chạy theo thành tích, dẫn tới huy động quá sức dân và nợ đọng xây dựng cơ bản.

Nợ đọng hơn 8.600 tỷ đồng

Tính đến tháng 3/2016, cả nước đã có 1.761 xã đạt chuẩn NTM, chiếm khoảng 20% tổng số xã trên cả nước. Qua 5 năm triển khai xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng nông thôn đã phát triển mạnh mẽ, điều kiện sống của số lượng lớn dân cư được nâng cao rõ rệt. Dưới tác động tích cực của chương trình, nông nghiệp đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng chuyển dịch mạnh mẽ.
Xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước tại xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức. 	Ảnh: Quang Thiện
Xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước tại xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, vấn đề nổi lên là có sự chênh lệch lớn về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền. Trong khi các xã đạt chuẩn vùng Đông Nam Bộ là 46,4%, Đồng bằng sông Hồng là 42% thì khu vực miền núi phía Bắc mới đạt 8,2% và Tây Nguyên là 13,2%. Đáng chú ý, trong quá trình triển khai, các địa phương chủ yếu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm nhiều đến xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Chính vì vậy nên một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán. Theo số liệu báo cáo của 35/41 tỉnh, TP cho thấy, số nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay là khoảng 8.600 tỷ đồng.

Vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản là một trong những điểm Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt lưu tâm khi làm việc với đại diện Chính phủ, các bộ, ngành về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2015 mới đây. Ông Trần Văn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần phải làm rõ tỷ lệ nguồn vốn xã hội hóa trong quá trình thực hiện xây dựng NTM là bao nhiêu và hiệu quả của nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn xã hội hóa thời gian qua như thế nào?

Xử lý trách nhiệm nếu huy động quá sức dân

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nguyên nhân của nợ đọng xây dựng cơ bản do khi phát động phong trào xây dựng NTM, xuất phát điểm của đa số xã còn thấp. Trong thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu, nguồn lực của Nhà nước, người dân và DN còn hạn chế, nhất là các địa phương miền núi. Mặt khác, sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu quyết liệt, có nơi quá nôn nóng muốn về đích nhanh. Theo ông Phát, để khắc phục bệnh thành tích, xử lý nợ đọng, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong xây dựng NTM. Trong đó làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật nghiêm khắc nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, phát sinh nợ xây dựng cơ bản không đúng quy định trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo và cơ quan thường trực các cấp về phân bổ và sử dụng nguồn lực được giao.

Trong thời gian tới, cùng với tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các mô hình điểm, Chính phủ sẽ hỗ trợ các vùng khó khăn để giảm sự chênh lệch giữa các vùng, miền thông qua các chính sách đặc thù. Trong đó đẩy mạnh các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các địa phương phải bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo quy định để thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Trong đó có ưu tiên cho các xã đã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo đúng quy định tại Nghị quyết 100/2015/QH13 của Quốc hội.