Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực cải thiện chất lượng không khí trong "mùa" ô nhiễm

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào mùa đông, Hà Nội không chỉ mang theo cái lạnh mà còn kèm theo những lớp bụi mịn dày đặc, khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) liên tục nằm trong nhóm kém và nguy hại.

Cứ vào mùa đông, chất lượng không khí Hà Nội lại ở mức xấu.
Cứ vào mùa đông, chất lượng không khí Hà Nội lại ở mức xấu.

Thực trạng này đang đặt ra bài toán cấp bách cho chính quyền và người dân Thủ đô, trong việc bảo vệ sức khỏe và cải thiện môi trường sống.

Mùa “ô nhiễm” thay cho mùa đông

Những ngày cuối tháng 11/2024, Hà Nội nhiều lần đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Theo dữ liệu từ AirVisual, chỉ số AQI tại Hà Nội thường xuyên vượt ngưỡng 200, mức gây nguy hiểm đến sức khỏe con người, đặc biệt đối với nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già, và người mắc bệnh mãn tính.

Ông Nguyễn Văn Hùng - cư dân quận Nam Từ Liêm, chia sẻ: “Mỗi sáng thức dậy, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ chỉ thấy một lớp sương bụi dày đặc. Trước đây, tôi thường chạy bộ buổi sáng, nhưng  cả tuần nay  đành tạm dừng vì mỗi lần ra ngoài lại cảm thấy khó thở và đau họng”. Ý kiến này phản ánh nỗi lo ngại chung của nhiều người dân về chất lượng không khí ngày càng xấu đi.

Theo tìm hiểu, Hà Nội hiện có khoảng 7 triệu xe máy và hơn 700.000 ô tô, trong đó phần lớn là các phương tiện cũ không đạt tiêu chuẩn khí thải. Ngoài ra, các công trình xây dựng tại Thủ đô thường thiếu biện pháp che chắn bụi, khiến lượng lớn bụi mịn PM2.5 phát tán vào không khí. Không ít khu vực ngoại thành còn xuất hiện tình trạng đốt rác tự phát, làm tăng thêm lượng khí độc hại như CO2 và SO2. Đặc biệt, hiện tượng nghịch nhiệt trong mùa đông khiến các hạt bụi không thể thoát lên cao mà bị giữ lại gần mặt đất, khiến tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn.

Bà Trần Thị Mai - một tiểu thương ở chợ Đại Mỗ, chia sẻ thêm: “Mỗi ngày đi làm tôi đều phải đeo khẩu trang kín mít, nhưng vẫn cảm nhận rõ lớp bụi bám dày trên da mặt và cả trong mũi”.

Chất lượng không khí kém ảnh hưởng  đến sức khỏe người dân.
Chất lượng không khí kém ảnh hưởng  đến sức khỏe người dân.

Nỗ lực từ chính quyền và cộng đồng

Trước thực trạng trên, chính quyền Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp cải thiện chất lượng không khí, như mở rộng mạng lưới trạm quan trắc không khí, rửa đường tự động ban đêm, và thí điểm "vùng phát thải thấp". Tuy nhiên, các giải pháp này mới chỉ là bước khởi đầu.

TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng: “Cần phải có chế tài mạnh mẽ hơn đối với phương tiện giao thông cũ và doanh nghiệp vi phạm quy định về khí thải. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng”.

 Theo TS Hoàng Dương Tùng,, để giảm thiểu ô nhiễm không khí một cách bền vững, Hà Nội cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp quan trọng là đầu tư vào hệ thống giao thông xanh. Việc mở rộng mạng lưới phương tiện công cộng chạy điện, như xe buýt và tàu điện, không chỉ giảm phát thải khí độc mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân từ bỏ phương tiện cá nhân. Thành phố cũng cần khuyến khích sử dụng xe đạp và thiết kế thêm các làn đường riêng cho phương tiện này, góp phần xây dựng một hệ thống giao thông an toàn và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tăng cường kiểm soát khí thải từ các nguồn chính như nhà máy, công trình xây dựng và phương tiện giao thông. Các tiêu chuẩn khí thải mới phải được áp dụng nghiêm ngặt, đồng thời cần tổ chức thanh tra định kỳ để đảm bảo việc tuân thủ. Đối với các công trình xây dựng, thành phố nên yêu cầu áp dụng các biện pháp hạn chế bụi như che chắn và phun nước thường xuyên.

Ngoài ra, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề ô nhiễm không khí cũng đóng vai trò quan trọng. Những chiến dịch truyền thông sáng tạo và hiệu quả sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về tác hại của ô nhiễm và cách bảo vệ sức khỏe của chính mình. Giáo dục cộng đồng về các biện pháp như sử dụng khẩu trang chống bụi, trồng cây xanh và hạn chế đốt rác tự phát sẽ góp phần tạo nên một phong trào bảo vệ môi trường sâu rộng, hướng tới một Thủ đô xanh và sạch hơn.

 

Kết quả quan trắc giai đoạn 2022 - 2023 cho thấy bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26-52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1-2,1 lần. Năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt tháng 1 - 4 và một đợt vào đầu tháng 10. Ô nhiễm không khí không chỉ tập trung ở nội thành mà còn ở các khu vực ngoại thành như Kim Bài (Thanh Oai), Chúc Sơn (Chương Mỹ) và Vân Đình (Ứng Hòa). Tại đây, chỉ số AQI đã vượt quá mức cho phép, đặc biệt là tại Kim Bài với chỉ số 150.