Kinhtedothi - Trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 10, HĐND TP đã nghe và thảo luận về tình hình KT - XH của TP 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Trong đó, một vấn đề được đặt ra là ngoài các giải pháp mang tính toàn diện, lâu dài, TP cần tính đến những giải pháp cụ thể để tăng khả năng hấp thu vốn của DN, thực hiện hiệu quả những mục tiêu của “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014”.
Tăng trưởng mới đạt 7,4%
Điểm lại bức tranh KT - XH 6 tháng qua, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết: "Kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng nhưng thấp hơn các năm trước và thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch đề ra, sản xuất - kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, nhiều sản phẩm công nghiệp giảm mạnh, ngành dịch vụ không có tăng trưởng…". Cụ thể, 6 tháng đầu năm, GRDP ước tăng 7,4%, gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng chung cả nước, song thấp hơn nhiều so với kế hoạch (8,5 - 9%). Ngoài ra, 6 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 62.715 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán HĐND TP giao. Những điểm sáng của KT - XH Thủ đô cũng hiện rõ khi chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 7/63 tỉnh, TP, môi trường đầu tư được cải thiện nhiều, công tác dồn điền đổi thửa khá nhanh (6 tháng thực hiện được thêm gần 12.000ha, bằng 96% tổng diện tích có thể thực hiện), thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên, "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014" đã tạo ra những kết quả nhất định, an sinh xã hội được đảm bảo…
Gỡ khó từ chính sách
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh trình bày báo cáo tại Kỳ họp. Ảnh:Hải Linh
Tuy nhiên, một con số cũng không mấy lạc quan khi số DN đăng ký thành lập mới giảm (tính đến tháng 5 chỉ có 6.150 DN đăng ký thành lập, giảm gần 1,5% so với cùng kỳ), trong khi có tới 5.372 DN ngừng hoạt động (tăng 4,7%)... TP đã ban hành và thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ cho các DN khôi phục sản xuất - kinh doanh, nhưng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn hạn chế, nên dư nợ cho vay thấp hơn mức huy động. Cùng với đó, quản lý trật tự xây dựng đô thị ở một số nơi có biểu hiện buông lỏng. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép và lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp vẫn xảy ra.... Bên cạnh các yếu tố khách quan như tác động của suy thoái kinh tế thế giới và những yếu kém nội tại của nền kinh tế, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, những vấn đề phát sinh về an ninh, giữ môi trường đầu tư bị ảnh hưởng từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển Việt Nam, Báo cáo của UBND TP cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan là do sự thiếu quyết liệt, năng động sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực... Và như vậy, để đảm bảo tăng trưởng 6 tháng cuối năm đạt 9,8 - 10,8% cần phải có sự cố gắng nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị.
Với quyết tâm thực hiện chỉ tiêu kế hoạch HĐND đã quyết nghị, UBND TP đưa ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm để khắc phục những yếu kém trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, tập trung hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất -kinh doanh qua các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, giải quyết hàng tồn kho, chú trọng đa dạng hóa thị trường mới, triển khai các biện pháp hỗ trợ DN ứng phó với diễn biến bất lợi do tình hình phức tạp trên Biển Đông. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, thu ngân sách, tiết kiệm chi, tập trung cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh công tác quy hoạch, với mục tiêu phê duyệt 10 đồ án quy hoạch chung cấp huyện…, tạo chuyển biến rõ nét trật tự và văn minh đô thị. Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra và bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… |
Bày tỏ phấn khởi trước những điểm sáng trong nền kinh tế Thủ đô, tuy nhiên, nhiều ĐB cũng đặt câu hỏi khi tăng trưởng kinh tế của Hà Nội thấp hơn cùng kỳ năm trước. ĐB Hồ Quang Lợi (tổ Hai Bà Trưng) đặt vấn đề: Trong khi nền kinh tế thế giới có bước phục hồi, thị trường bất động sản cũng có phần ấm lên, tác động đáng kể đến tăng trưởng, nhưng trong 6 tháng qua, tốc độ tăng trưởng lại kém hơn năm ngoái. UBND TP và các cơ quan chức năng phải có sự xem xét sâu hơn nữa, để tìm nguyên nhân của sự sụt giảm. ĐB Nguyễn Nguyên Quân (tổ Ứng Hòa) cho rằng: Rõ ràng ở đây có nguyên nhân từ sức ì của nền kinh tế TP hoặc các giải pháp đưa ra chưa đạt hiệu quả. Vậy TP có đặt việc điều chỉnh một số chỉ tiêu không? Nếu không điều chỉnh chỉ tiêu thì giải pháp trọng tâm đưa ra phải mang tính đột phá mới giải quyết được tình hình.
Đưa ra vấn đề "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014", nhiều ĐB đánh giá đây là chủ đề đúng và TP đã có sự chỉ đạo quyết liệt, nhưng chuyển biến trên thực tế chưa rõ.
Nhiều khu phố chưa văn minh, trật tự, thậm chí là rất lộn xộn. Trong thời gian còn lại của năm, TP phải có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Liên quan đến các công trình trọng điểm, các ĐB đã đưa ra những vấn đề "nóng" trong thời gian qua như 7 lần vỡ đường ống cấp nước sạch sông Đà, chất lượng các công trình dự án, đồng thời đề nghị truy cứu trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan. Theo ĐB Hồ Quang Lợi, những sự việc này không chỉ gây lãng phí tiền của Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền TP, HĐND phải có tiếng nói quyết liệt để điều chỉnh lại.
Nhiều ý kiến đề nghị TP hỗ trợ DN bằng những hành động cụ thể, như ngoài giảm thuế, vay vốn, cần kích thích sức mua, hỗ trợ DN chi phí vận chuyển, bán hàng… ĐB Nguyễn Thanh Mai (tổ Hà Đông) kiến nghị: Sắp tới, TP sẽ phát hành trái phiếu Thủ đô với khoảng 3.000 tỷ đồng, đầu tư cho các công trình trọng điểm có khả năng hoàn thành. Tuy nhiên, các ngành phải hỗ trợ để DN hấp thụ được nguồn vốn.
Một vấn đề quan trọng được các ĐB HĐND cũng như lãnh đạo TP nhấn mạnh là tăng đầu tư cho các vấn đề an sinh xã hội, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, giám sát trật tự xây dựng đô thị, kiên quyết xử lý vi phạm...
Sáng 8/7, HĐND TP đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND ngày 10/12/2008 của HĐND TP về Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn Hà Nội. Trong Đề án này, quỹ nhà gồm 970 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước (cả biệt thự xây trước và sau năm 1945). Trong đó, xác định những biệt thự không bán, được bán để bảo tồn, tôn tạo giá trị kiến trúc. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực. Theo Tờ trình của UBND TP, nội dung Nghị quyết sẽ được điều chỉnh theo hướng phân loại biệt thự theo 3 nhóm theo đúng quy định về quản lý, sử dụng nhà biệt thự trong đô thị: Nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, nhà biệt thự cũ; các công trình có giá trị kiến trúc khác xây dựng trước năm 1994.
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam: Nghị quyết phải thể hiện được ý chí của Hà Nội về vấn đề Biển Đông Trong Nghị quyết phát triển KT - XH những tháng cuối năm 2014 phải thể hiện được ý chí chung của người dân Thủ đô đồng tình với tuyên bố của Chính phủ và Quốc hội về giữ vững chủ quyền. Giữ vững các chỉ tiêu, ổn định chính trị và môi trường đầu tư. Thể hiện quyết tâm của Hà Nội một cách cụ thể hơn. Ví như trong các giải pháp TP phải quan tâm đến gia đình các chiến sĩ ở trong lực lượng thực thi pháp luật trên biển và đảo, để có chính sách thiết thực quan tâm hơn. Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lê Văn Thư: Chấn chỉnh trách nhiệm đơn vị cung cấp nước sạch Về những bức xúc quanh vấn đề nước sạch thời gian qua cho thấy, đây không chỉ là dịch vụ, mà còn là nhiệm vụ chính trị liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân. Do đó, TP cần có sự chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ nước sạch xem xét lại trách nhiệm. Các ngành chức năng cũng cần kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh lại các đơn vị cung cấp nước sạch cho người dân. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (tổ Thường Tín): Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay Hiện, TP hỗ trợ mức lãi suất 7 - 8% cho DN vay, nhưng với tình hình khó khăn hiện nay, các khoản vay cũ vẫn giữ mức 14 - 15% là bất ổn, khả năng DN sẽ rơi vào bẫy lãi suất như năm 2009. Từ đó, các DN rất khó tiếp cận vốn vì không có tài sản thế chấp với mức lãi suất ưu đãi. Vì vậy, kiến nghị TP có biện pháp cụ thể để DN có thể vay được. |