Nỗ lực gỡ rối, hoàn thiện chính sách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù được đặc biệt quan tâm, nhưng mảng nhà ở chung cư tái định cư vẫn luôn nhận những phàn nàn về chất lượng.

Chung cư tại Khu đô thị mới Nam Trung Yên. 	Ảnh: Thanh Hải
Chung cư tại Khu đô thị mới Nam Trung Yên. Ảnh: Thanh Hải
Với nhiều khó khăn, vướng mắc đến từ các điều kiện khách quan và cả chủ quan khiến cho việc quản lý, vận hành nhà tái định cư luôn rối, chưa thực hiện được mong muốn tạo ra môi trường sống tốt cho những người dân đã phải di dời, GPMB. Những thông điệp được đưa ra trong thời gian gần đây cho thấy, TP cùng các ngành sẽ nỗ lực để “gỡ rối” và tạo sự thay đổi trong quản lý, vận hành nhà tái định cư.

Dân không muốn quản?

Tại kỳ họp của HĐND TP Hà Nội vừa qua, thực trạng quản lý và vận hành các nhà chung cư tái định cư, việc cho thuê các diện tích sở hữu nhà nước tại các chung cư tái định cư và cơ chế sử dụng tiền thuê là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm. Qua tìm hiểu thực tế có thể thấy, việc quản lý vận hành nhà chung cư đã khó nhưng tại các nhà chung cư tái định cư lại còn khó hơn. Mức phí thu thấp, người dân chưa hiểu rõ vai trò của mình… mọi trách nhiệm đang dồn về phía TP, cơ quan quản lý. Đa số dân cư các tòa nhà tái định cư không muốn tổ chức và tham gia hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị nhà chung cư do không muốn đóng góp kinh phí để phục vụ công tác quản lý vận hành và bảo trì nhà. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số người sử dụng nhà chung cư chưa cao và không đồng đều, đa phần trước đây được sinh sống tại nhà ở riêng, thấp tầng nên còn giữ những tập tục, thói quen sinh hoạt theo nếp sống cũ trước kia sống ở khu dân cư. Ý thức về giữ gìn thiết bị và sử dụng các phần diện tích chung còn hạn chế, cũng tạo ra những khó khăn trong công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư.

Về giá dịch vụ quản lý vận hành, theo báo cáo mới nhất của UBND TP, hiện 100% số tòa chung cư vẫn đang áp dụng theo mức giá quy định tạm thời (30.000 đồng/căn hộ); chưa thực hiện được việc thu phí theo khung giá dịch vụ công bố hàng năm của TP. Mặc dù, hai công ty được TP giao thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được giao tiếp nhận và quản lý 155 tòa nhà. Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội mới được giao tiếp nhận và quản lý 18 tòa tại Khu đô thị Nam Trung Yên) đã xây dựng mức giá dịch vụ và các sở, ngành đã thẩm tra trình UBND TP phê duyệt theo quy định hiện hành, nhưng người dân tại các tòa nhà chung cư tái định cư không thống nhất và yêu cầu Nhà nước phải hỗ trợ kinh phí quản lý vận hành từ nguồn thu diện tích kinh doanh dịch vụ.

Ngay cả khoản kinh phí bảo trì vốn rất lớn và hữu dụng với các chung cư thương mại, thì tại nhà tái định cư, khoản kinh phí này cũng không nhiều do giá bán căn hộ thấp. Thậm chí, có nơi không có kinh phí bảo trì (do bán trước ngày 1/7/2006, ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở năm 2005 mới có quy định về kinh phí bảo trì). Trong khi đó, sau nhiều năm sử dụng, nhà chung cư đã xuống cấp phải sửa chữa, khắc phục những hư hỏng trong quá trình sử dụng như: thấm dột tầng mái, thang máy, máy phát điện, máy bơm nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy... Nếu các hộ dân phải đóng tiền sửa chữa thì đó là một khoản tiền không nhỏ không phải hộ dân nào cũng có khả năng đóng góp. Hiện, UBND TP cũng đã giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước trong giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư. Đồng thời, đẩy nhanh việc thành lập các Ban Quản trị. Đến thời điểm này, đã tổ chức hội nghị nhà chung cư và bầu được 13 Ban Quản trị tại 15 tòa chung cư tái định cư.

Xốc lại bộ máy vận hành

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND TP đã chỉ đạo và Sở Xây dựng và hai công ty phối hợp với UBND các quận thực hiện khảo sát và đối thoại trực tiếp với đại diện cư dân tại các khu nhà chung cư tái định cư tập trung. Qua khảo sát, đa số cư dân chưa thống nhất tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban Quản trị, vì cho rằng việc thành lập Ban Quản trị là dồn trách nhiệm quản lý vận hành, bảo trì nhà chung cư cho người dân; đồng thời kiến nghị TP phải tiếp tục hỗ trợ cư dân kinh phí quản lý vận hành, bảo trì, sửa chữa những hạng mục lớn, trang thiết bị sử dụng chung như: sơn sửa mặt ngoài, chống thấm mái, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và thang máy.

Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị Bộ Xây dựng đưa vào dự thảo Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn về thi hành Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có nội dung cụ thể hỗ trợ từ Nhà nước đối với kinh phí bảo trì và quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư để sau khi ban hành có thể áp dụng được ngay trên địa bàn TP. Nếu quy định này được thông qua và đưa vào áp dụng sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân, vì cơ bản giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện tại. Bên cạnh đó, TP cũng xác định, các đơn vị quản lý và cơ quan chức năng phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích và phổ biến các quy định của pháp luật để người dân hiểu rõ về mô hình quản lý vận hành nhà chung cư, quyền và trách nhiệm của Ban Quản trị, chủ sở hữu nhà chung cư theo quy định pháp luật. Nhằm xử lý rốt ráo vấn đề còn tồn tại trong quản lý, vận hành nhà tái định cư trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tổng kiểm tra công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn TP của Công TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Qua đó, làm rõ các tồn tại vướng mắc trong quản lý, vận hành các khu chung cư tái định cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật, đề xuất giải quyết cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo, thông qua việc rà soát, nếu cần thiết có thể thực hiện cả phương án thu hồi quỹ nhà do đơn vị này quản lý để giao đơn vị khác thực hiện. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội vi phạm quy định, tự ý cho các hộ dân vào sử dụng 247 căn hộ không đúng quy định (khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền) từ sau ngày 30/6/2014, đề xuất xử lý giải quyết, đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật.
Ngày 15/7, Sở Xây dựng đã có thông báo về việc kiểm tra công tác quản lý, cho thuê các diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1, tầng 2 và việc bố trí tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội. Nội dung kiểm tra là công tác quản lý cho thuê diện tích kinh doanh tầng 1, tầng 2 tại các khu nhà tái định cư do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị đã tự ý bố trí cho các tổ chức, cá nhân sử dụng khi chưa được sự chấp thuận của TP. Đoàn cũng sẽ tiến hành kiểm tra công tác tiếp nhận, bàn giao 247 căn hộ tái định cư không đúng quy định.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 173 tòa nhà đã đưa vào sử dụng từ năm 2001 đến nay, với hơn 14.266 căn hộ tại 23 khu nhà ở, khu đô thị mới nằm trên địa bàn của 10 quận. Trong đó, có 69 tòa được đưa vào sử dụng trước ngày 1/7/2006 (ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở 2005 mới có quy định về kinh phí bảo trì 2% trong giá bán căn hộ). 86 tòa nhà được đưa vào sử dụng sau Luật Nhà ở 2005 đến trước ngày 30/9/2013 (ngày Nghị định 84/2013/NĐ-CP có hiệu lực) và 18 tòa nhà đưa vào sử dụng từ sau ngày 30/9/2013 đến nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần