Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo trực tuyến công bố "Báo cáo: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020".Báo cáo được thực hiện dựa trên kết quả phản hồi của 3.657 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất xuất khẩu, gia công, chế xuất, dịch vụ logistics và đại lý hải quan… Báo cáo đã phản ánh chi tiết tình hình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, cũng như đề xuất kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi và góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, công tác cải cách hiện đại hóa luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược của Tổng cục Hải quan. Trong thời gian qua, Tổng cục đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực hải quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó nổi bật là các văn bản về cải cách kiểm tra chuyên ngành và cải cách các thủ tục hành chính, triển khai mạnh mẽ Cơ chế một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN.Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tính đến hết quý II năm 2021, ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cho 203 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, chiếm 85,6% tổng số thủ tục hành chính do ngành Hải quan thực hiện; Hoàn thành việc tích hợp 72 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.Ngoài ra, ngành Hải quan không ngừng cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, liêm chính trong thực thi công vụ; đổi mới phương pháp quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực trong những năm vừa qua đã tạo ra phong trào học tập rộng khắp toàn ngành Hải quan nhằm nâng cao trình độ, kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ người dân và DN được tốt hơn.Để đẩy mạnh triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phấn đấu. Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tập trung cải cách thể chế và quy trình thủ tục đảm bảo hành lang pháp lý đồng bộ cho việc triển khai các hiệp định tự do thế hệ mới (như CPTTP, EVFTA…), xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh; triển khai nhiệm vụ đầu mối chủ trì thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành.Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN, tập trung nỗ lực xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, theo đó cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Bên cạnh đó đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành, tiếp tục triển khai và hoàn thiện hệ thống nộp thuế 24/7, hệ thống giám sát hàng hóa tự động tại kho, bãi, cảng nhằm phục vụ tốt hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động XNK...