Kinhtedothi - Không phải ngẫu nhiên năm 2014 ghi dấu ấn cải cách hành chính (CCHC) mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng mạnh đến DN nhằm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Sau những thông điệp quyết liệt trong việc cắt giảm thời gian, thủ tục trong lĩnh vực thuế, hải quan, xây dựng chiến lược đầu tư mang tính dài hạn..., một loạt giải pháp đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai.
Trong bối cảnh chung đó, TP Hà Nội đã có những bước chuyển mạnh mẽ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Đầu năm 2014, không ít người nhận định, kinh tế - xã hội của TP vẫn tiếp tục khó khăn kéo dài trong năm 2014. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN, kinh tế Thủ đô năm 2014 đã có những dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại. Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu những ý kiến đánh giá, nhận định và đề xuất của các nhà quản lý và lãnh đạo DN xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Doãn Toản - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội:
Công khai, minh bạch là yếu tố quan trọng thu hút các nguồn lực
Đến nay, Sở Tài chính Hà Nội đã tham mưu giúp UBND TP tiến hành bổ sung, sửa đổi 15 văn bản; ban hành mới 34 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách. Đây cũng là yếu tố quan trọng phát huy hiệu quả các nguồn lực, thu hút các nguồn vốn ODA, FDI, huy động nguồn vốn của DN và Nhân dân, đồng thời mở rộng xã hội hóa theo phương thức BOT, BTO, BT, PPP, đấu giá quyền sử dụng đất... Sở Tài chính đã thực hiện công khai 39 thủ tục hành chính (TTHC) trên trang web của TP, trang thông tin điện tử của Sở Tài chính và hệ thống tra cứu điện tử qua màn hình cảm ứng tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở. Thực hiện theo cơ chế một cửa 8/39 TTHC, thực hiện 21 quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008. Công khai số điện thoại, đường dây nóng, hòm thư góp ý tại trụ sở cơ quan và trang web của Sở Tài chính để các tổ chức và công dân liên hệ làm việc và giám sát việc thực hiện của Sở.
Trong thời gian tới, Sở Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện CCHC trên 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính.
Ông Dương Văn Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt 10/10:
Vẫn cần những hỗ trợ tích cực hơn
Năm 2014, đáng ghi nhận là Nhà nước đã hỗ trợ nhiều hơn cho DN trong vay vốn, với điều kiện thuận lợi hơn. Nhưng thực ra, DN phải rất cân nhắc chứ không dám vay ồ ạt vì thị trường vẫn là yếu tố quyết định việc sử dụng vốn. Nếu thị trường tốt, cộng với điều kiện vay thuận lợi, thì sản xuất sẽ tốt. Song thực tế năm qua, thị trường cạnh tranh khốc liệt, giá cả và sức mua vẫn làm cho DN rất lo lắng. Kể cả trên phương diện xuất khẩu, nhiều lúc đấu thầu, giá của đối tác đưa ra chỉ bằng giá thành của mình nên chúng tôi không giành được thị phần. Dệt 10/10 hoàn thành kế hoạch năm nhưng chỉ bằng 85% so với năm 2013.
Đã có rất nhiều hỗ trợ đến với DN nhưng sức mua của thị trường không cao nên tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Đây chính là "điểm nghẽn" trong SXKD năm 2014. Sang năm 2015, tôi dự cảm vẫn là một năm khó khăn chứ không dễ dàng gì. Dù Công ty đã có hợp đồng cho 6 tháng đầu năm nhưng giá trị chỉ ở mức trung bình khá, chưa đạt đến năng lực sản xuất của DN. Hy vọng sau tháng 6, thị trường sẽ bật lên. Muốn được như vậy, quan trọng nhất vẫn là Nhà nước ổn định được kinh tế vĩ mô, làm cho đầu vào của sản xuất càng hạ thấp càng tốt, ổn định được giá nguyên vật liệu, xăng dầu, điện…, giảm lãi suất vay hơn nữa. Trên cơ sở đó, DN sẽ tự sắp xếp lại sản xuất để có giá thành cạnh tranh hơn, tạo thị trường sôi động, tăng sức mua. Cùng với những biện pháp của Nhà nước ổn định đầu vào cho sản xuất, tôi cho rằng, bản thân DN bên cạnh tổ chức lại sản xuất cũng cần tính toán thấu đáo hơn về đầu tư thiết bị, mới có thể tăng năng suất lao động, giảm giá thành. DN đã tích cực đầu tư rồi nhưng có thể nhiều yếu tố không "trúng", nên chưa tạo được sức bật về năng suất.
Ông Nguyễn Văn Trường - Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội:
99,85% doanh nghiệp thực hiện thông quan VNACCS/VCIS
Điểm nhấn trong năm 2014 của Cục Hải quan Hà Nội là đơn vị đã triển khai thành công Hệ thống thông quan điện tử mới VNACCS/VCIS. Từ ngày 1/4/2014 đến nay, tổng số tờ khai làm thủ tục qua hệ thống này đạt 99,85%, qua đó minh bạch hóa thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho DN.Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho DN, các chi cục thuộc Cục Hải quan cũng đã phối hợp với các ngân hàng, đặt bàn thu thuế ngay tại địa điểm làm thủ tục hải quan, giúp DN có thể thực hiện ngay nghĩa vụ thuế với Nhà nước và qua đó làm căn cứ để cơ quan hải quan thông quan nhanh chóng hàng hóa cho DN.
Ngoài tạo thuận lợi và hỗ trợ cho các DN làm thủ tục trong các khâu thu nộp ngân sách Nhà nước, thông qua các buổi đối thoại hải quan - DN định kỳ và việc triển khai các tổ công tác đến làm việc trực tiếp với các DN có số thu lớn trên địa bàn, đơn vị đã chủ động tiếp xúc với từng DN trọng điểm; kịp thời xử lý các vướng mắc giúp cho DN yên tâm sản xuất, kinh doanh (SXKD), đồng thời động viên DN tích cực hoạt động xuất, nhập khẩu trong những tháng cuối năm. Tính đến ngày 9/12, đơn vị đã thu ngân sách đạt 14.514 tỷ đồng, bằng 100,3% chỉ tiêu kế hoạch năm. Thời gian còn lại của năm, đơn vị phấn đấu thu ngân sách đạt khoảng 106 - 108% so với chỉ tiêu được giao.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:
Gắn trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính từng cá nhân, bộ phận
Từ năm 2012 đến nay, kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Sở Công Thương Hà Nội luôn đạt 100%, tuân thủ đúng thời gian được công bố. Qua rà soát TTHC trong lĩnh vực công thương, Sở đã trình UBND TP công bố 17 TTHC mới, đồng thời đề nghị, sửa đổi, bổ sung 7 TTHC và bãi bỏ 10 TTHC. Năm 2014, Sở tiếp tục bãi bỏ 3 TTHC, đồng thời đã rút ngắn 30% thời gian thực hiện các TTHC.
"Gắn trách nhiệm từng bộ phận, cá nhân" được lãnh đạo Sở Công Thương luôn quan tâm trên cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch công tác cải cách TTHC. Bên cạnh đó, Sở cũng như các phòng chuyên môn cũng luôn sẵn sàng tiếp xúc với tổ chức, cá nhân để giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện cải cách TTHC. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một bộ phận cán bộ công chức do phải thực hiện một lúc nhiều công việc chuyên môn nên việc quan tâm nghiên cứu đề xuất đơn giản hóa và thực hiện cập nhật thông tin còn hạn chế. Để khắc phục những bất cập này, qua đó đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách TTHC, Sở Công Thương kiến nghị UBND TP từng bước hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác CCHC. Và quan trọng nhất hiện nay là các phương án đơn giản hóa TTHC cần được các đơn vị thực hiện một cách đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các TTHC có liên quan, thúc đẩy SXKD.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội:
Nên có sự điều tiết hợp lý giữa doanh nghiệp Việt và FDI
Với vai trò như ngành kinh tế "xương sống" để đưa đất nước đạt mục tiêu CNH - HĐH, rõ ràng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang rất cần những ưu đãi cao nhất. Tuy nhiên, ngay trong năm 2015, tôi cho rằng, Nhà nước nên đặc biệt lưu ý: Nếu chính sách đại trà cho cả DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN Việt Nam thì các DN "nội" đã khó sẽ càng khó hơn trong hội nhập vào chuỗi sản xuất CNHT toàn cầu. Bởi thực tế, sản phẩm của DN Việt chưa có đầu ra, vốn ít, chưa tiếp cận được công nghệ, máy móc hiện đại... Dù vậy, vẫn cần chú ý tới DN FDI, để họ vào và liên kết được với DN Việt cùng sản xuất sản phẩm CNHT và CNHT phục vụ công nghệ cao.
Trong năm 2015 và đến năm 2018 - thời điểm Hà Nội phấn đấu về đích trước cả nước 1 - 2 năm về mục tiêu CNH - HĐH, Hansiba sẽ cố gắng tạo dựng được các DN "khởi tạo" - tức là những DN với chủ có tuổi đời từ 28 - 32 đã từng học tập hoặc làm việc ở các nước công nghiệp phát triển. Chúng tôi cũng kiến nghị TP nhanh chóng thiết lập Ban chỉ đạo TP về phát triển CNHT, xem xét ban hành ngay các chính sách ưu đãi trong thẩm quyền của TP, như đất đai, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh mua nợ máy móc thiết bị nước ngoài... Đồng thời, TP cần cụ thể hóa công tác xúc tiến đầu tư cho các DN, liên tục tổ chức khảo sát các cơ sở sản xuất tại nước ngoài cũng như các hội nghị xúc tiến hợp tác đầu tư, đào tạo lao động phục vụ sản xuất CNHT, hỗ trợ tối đa phát triển dự án Khu CNHT Nam Hà Nội. Cùng với đó, DN trong ngành mong TP sớm thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển và trung tâm dữ liệu các sản phẩm CNHT để kịp thời cung cấp cho DN sản xuất, thành lập quỹ đầu tư chuyên quản để hỗ trợ tài chính (về vốn và lãi suất) cho DN CNHT.
Ông Thái Dũng Tiến - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội:
Đa dạng các hình thức hỗ trợ người nộp thuế
Một trong những giải pháp trọng tâm giúp ngành thuế Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước là tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, qua đó hỗ trợ DN trong hoạt động SXKD và đóng góp tích cực trở lại vào ngân sách.
Với cam kết đồng hành cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn, Cục Thuế đã thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn chính sách mới; các buổi đối thoại, hỗ trợ tư vấn cho DN thông qua đường dây nóng, qua đó đã lắng nghe, trao đổi và có biện pháp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho DN. Ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung nội dung, hệ thống mẫu biểu của 7 thông tư về thuế, và mới đây là Thông tư số 151/2014/TT-BTC, Cục đã triển khai các giải pháp đảm bảo các quy định mới nhanh chóng đến với DN, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân cắt giảm thời gian và chi phí thực hiện TTHC thuế; Yêu cầu các chi cục niêm yết công khai toàn bộ nội dung văn bản tại bộ phận một cửa, đồng thời thành lập tổ giảng viên với những cán bộ chủ chốt, có năng lực để tuyên truyền, giải đáp vướng mắc cho các DN trên địa bàn...
Trong năm 2015, việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Cục Thuế Hà Nội. Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ triển khai thực hiện tốt việc gia hạn nợ, xóa nợ thuế theo chính sách hiện hành, duy trì và mở rộng các dự án: Nộp hồ sơ kê khai thuế qua mạng internet, nộp thuế điện tử và hiện đại hóa công tác thu, nộp ngân sách…
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội:
Đẩy mạnh cải cách hồ sơ, thủ tục
Cùng với những kế hoạch, chương trình nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD cho DN trên địa bàn TP, Hiệp hội DN TP Hà Nội cũng chủ động tổ chức, tham gia các hội nghị, diễn đàn để nắm bắt thông tin tình hình, các khó khăn, kiến nghị của DN thành viên để phản ánh với cấp có thẩm quyền nhằm có những điều chỉnh tháo gỡ kịp thời. Qua đó, đã có gần 3.000 tổ chức, cá nhân đã được giải quyết giảm tiền thuê đất, 58 hồ sơ được xem xét gia hạn sử dụng đất với tổng số tiền hơn 13.500 tỷ đồng; 10 DN được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư với số tiền giải ngân khoảng 10 tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất vốn vay (thí điểm) để SXKD cho 13 DN với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng; triển khai cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã giải ngân được hơn 1.000 tỷ đồng cho 5 DN và hơn 3.000 cá nhân; giải quyết cho 18/63 hồ sơ điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà ở thương mại và chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội… Ngoài ra, các chương trình xúc tiến thương mại trong nước, ngoài nước, phát triển CNHT, làng nghề, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ thương hiệu, liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước… cũng góp phần phát triển thị trường và giải quyết hàng tồn kho cho các DN trong Hiệp hội.
Tuy nhiên, thực tế số lượng DN được hưởng hỗ trợ còn hạn chế, chưa có tác dụng lan tỏa đến tình hình chung của DN. Đa số các DN mong muốn TP chỉ đạo các sở, ngành giải quyết nhanh các hồ sơ, thủ tục cho các DN về miễn, giảm, giãn thuế; các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, hỗ trợ lãi suất, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà, đất… nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD cho các DN trên địa bàn.