Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực ngoại giao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thềm chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Barack Obama đã công bố quyết định cải tổ các chương trình thu thập dữ liệu cá nhân của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA).

Đồng thời khẳng định, sẽ không để chương trình giám sát tình báo phá hỏng mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa hai nước.

Theo quyết định cải tổ, NSA sẽ chấm dứt gần hết hoạt động theo dõi các đồng minh nước ngoài và khởi động sự giám sát tư pháp việc Chính phủ thu thập thông tin hàng triệu cuộc gọi điện thoại của người dân Mỹ. Dữ liệu điện thoại cá nhân chỉ có thể được NSA sử dụng sau khi đã được thẩm tra tư pháp hoặc trong tình huống thật sự khẩn cấp. Theo Tổng thống Obama, Chính phủ sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu điện thoại nhưng đến trước cuối tháng 3/2014 sẽ nhường lại quyền kiểm soát dữ liệu này cho một cơ quan khác sau khi tham khảo ý kiến Quốc hội. Tổng thống Obama cũng cho biết đã chỉ đạo các quan chức tình báo và tư pháp Mỹ đề ra một số biện pháp bảo vệ công dân nước ngoài khỏi bị giám sát giống như những biện pháp được áp dụng cho công dân Mỹ.

 
Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định cải tổ hoạt động của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA). Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định cải tổ hoạt động của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA). Ảnh: Reuters

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi trên kênh truyền hình ZDF của Đức, Tổng thống Obama đã xin lỗi ngắn gọn về các cáo buộc NSA đã nghe lén điện thoại của nhà lãnh đạo Đức và đề xuất hàn gắn lại mối quan hệ đang bị sứt mẻ nghiêm trọng giữa hai nước. Hiện, Đức và Mỹ đang cố gắng hoàn tất những bước đi cuối cùng nhằm ký kết thỏa thuận “không do thám” lẫn nhau, vốn được bắt đầu thảo luận từ tháng 10/2013. Những tuyên bố và hành động trên của người đứng đầu Nhà Trắng cho thấy nỗ lực của ông Obama trong việc khôi phục niềm tin với Đức nói riêng và các đồng minh tại châu Âu nói chung sau khi bê bối nghe lén bị phanh phui.

Liên quan đến Hội nghị quốc tế về Syria (còn gọi là Geneva 2) diễn ra vào ngày 22/1 tới, các bên liên quan tin tưởng dù không có đủ thành phần tham dự, Hội nghị sẽ vẫn diễn ra nhằm tìm các biện pháp giải quyết xung đột kéo dài suốt 3 năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Sau nhiều lần thảo luận và trải qua một cuộc bỏ phiếu căng thẳng, Liên minh Dân tộc Syria (SNC), nhóm đối lập chính của Syria cuối cùng cũng khẳng định sẽ tham gia Hội nghị Geneva 2. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Anh William Hague đã hoan nghênh quyết định trên của SNC và cam kết ủng hộ tiến trình hòa bình ở Syria. Trong khi đó, tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hội kiến với người đồng cấp của Syria và Iran nhằm thống nhất cách thức tiếp cận và giải quyết vấn đề tại Geneva 2. Hiện, chưa rõ Hội nghị Geneva 2 có diễn ra như kế hoạch hay không nhưng tiến trình chuẩn bị để tổ chức diễn đàn quốc tế quan trọng này là nỗ lực ngoại giao rất lớn của cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra hướng chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria.