Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Đăng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian qua, bởi thị trường này nắm giữ nguồn vốn rất lớn cho nền kinh tế.

Mỗi biến động, dù là nhỏ của thị trường, cũng có tác động không nhỏ tới nền kinh tế. Phát triển bền vững thị trường này cũng là kênh huy động vốn từ nhân dân cho nền kinh tế ngoài các kênh truyền thống, là việc quan trọng cần làm.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là rất quan trọng.  
Tiếp tục thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là rất quan trọng.  

Bối cảnh vĩ mô khá tích cực

Trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" được tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nền kinh tế nước ta có quy mô còn khiêm tốn trong khi độ mở lớn (gần 2 lần so với GDP). Như vậy, sự tác động của ngoại cảnh đối với kinh tế nước ta rất lớn. Cuối năm 2021 và năm 2022, chúng ta kỳ vọng là sau khi vượt qua dịch Covid-19, các nền kinh tế sẽ đến thời kỳ phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tiễn không như dự báo, thậm chí có nhiều yếu tố như những cuộc xung đột chính trị, tài chính - tiền tệ… đã làm chậm đi quá trình phục hồi, thậm chí đẩy nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái.

Để so sánh với các nước trên thế giới và khu vực, qua các con số tổng hợp, thống kê, bối cảnh vĩ mô của chúng ta vẫn ở mức khá tích cực. Hết quý I, tốc độ tăng trưởng GDP nước ta đạt 3,32%, trong khi các đối tác chính, nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng thấp như Mỹ đạt 1,6%; EU đạt 1,3%; Nhật Bản đạt 1,3%; Hàn Quốc đạt 0,8%. Khi tăng trưởng thấp, cầu tiêu dùng của những nền kinh tế này cũng giảm theo, dẫn tới đơn hàng của DN và sản phẩm đầu ra của chúng ta bị ảnh hưởng.

Trong quý I/2023, tăng trưởng của lĩnh vực chế biến, chế tạo giảm đáng kể. Nhưng mức tăng trưởng 3,32% so với dự báo của World Bank và IMF trong năm 2023 là hơn 2% cho thấy chúng ta vẫn ở mức khá tích cực, tạo tiền đề để phấn đấu trong các tháng cuối năm. Bên cạnh đó, sau 4 tháng, chúng ta đạt chỉ số lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Các nền kinh tế khác đều ở mức khá cao như: Singapore (5,5%); Indonesia (khoảng 5%), Eu (khoảng 7%); Mỹ (khoảng 5%). Đây là các nền kinh tế đối tác của chúng ta và họ đều đang chống đỡ với tình trạng lạm phát gia tăng. Với phân tích như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào các chính sách, điều hành của chúng ta từ năm ngoái cũng như đầu năm này để đạt mục tiêu đã đề ra.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định

Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) chia sẻ, kinh nghiệm thế giới cho thấy trái phiếu phát hành có 3 loại. Một là phải mua bảo hiểm, hai là phát hành trái phiếu nhưng có bảo lãnh, ba là loại trái phiếu không có bảo lãnh, không bảo hiểm thì phải có ít nhất hai Cty đánh giá kinh nghiệm, năng lực, thẩm định để giúp người dân yên tâm. PGS.TS Khương cũng nêu lên 3 tuyến phòng vệ trong vấn đề hỗ trợ các DN để tránh vấn đề hình sự. Tuyến phòng vệ thứ nhất là các lãnh đạo DN khi chuẩn bị cần hiểu thật kỹ về quản trị DN. Tuyến phòng vệ thứ hai là bảo đảm vấn đề pháp lý, phản ứng cứu hộ. Tuyến phòng vệ thứ ba là cần kiểm toán hằng năm để đánh giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, để thị trường trái DN nghiệp ổn định và phát triển bền vững, góp sức cho nền kinh tế, cần tập trung vào một số giải pháp chính yếu như: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lãi suất, tỉ giá, lạm phát; điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, giải quyết các khó khăn. Nếu chúng ta giữ được như hiện nay và tiếp tục quá trình đó thì đó chính là điểm tựa để các DN tiếp tục hoạt động tốt dần lên và hiệu quả hơn, từ đó quay trở lại phát triển.

Đặc biệt, cần phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu này. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có các chính sách, ban hành và xử lý giải quyết những yêu cầu bức xúc của thị trường này. Trong một thời gian rất ngắn, Chính phủ ra 2 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và số 08/2023/NĐ-CP. Những quy định pháp lý mới nhất như vậy đã kịp thời giúp các DN phát hành, nhà đầu tư có điều kiện và công cụ pháp lý, có thời gian để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản đảm bảo, và giải quyết những vấn đề khác liên quan...

Mặt khác, trước những khó khăn hiện tại của các DN phát hành trong các lĩnh vực khác nhau, nhất là lĩnh vực bất động sản và xây dựng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp khác nhau để hỗ trợ và giúp cho các DN phát hành như giãn nợ, chuyển nhóm nợ của các DN, giảm lãi suất, giãn thuế, giảm thuế. Các cơ quan chức năng của Nhà nước thời gian vừa qua cũng tăng cường giám sát, kiểm tra, thậm chí thanh tra để đảm bảo thị trường này minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật...

 

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ, trong tương lai, thế giới có thể có hai xu thế: Một là suy thoái, khủng hoảng; hai là bắt đầu có tín hiệu phục hồi. Nếu chờ phục hồi rồi mới sản xuất là "chậm chân". Nên phải tính trước các "bài" để ứng phó. Vì vậy, đây là thời kỳ phải tăng thêm nguồn lực cho DN. Nguồn vốn cho DN hiện nay dựa vào hai nguồn: Thị trường trái phiếu và thị trường khá truyền thống là hệ thống cấp vốn từ các ngân hàng tín dụng.