Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam:

Nỗ lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề văn hóa, du lịch, chiều 10/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, văn hóa là nền tảng tinh thần, được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn.

Mặc dù ngành văn hóa đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải cố gắng làm tốt hơn nữa. Nhấn mạnh bản chất du lịch là một ngành kinh tế và để phát triển thành mũi nhọn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta phải thực hiện hiệu quả những giải pháp mạnh mẽ, đột phá. Tuy nhiên trong thời gian qua, cần phải nhìn nhận nhiều giải pháp đề ra chưa thực sự quán triệt đầy đủ tinh thần về một ngành kinh tế mũi nhọn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Dam phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Dam phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt các bộ ngành liên quan triển khai các hoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch với những giải pháp mạnh mẽ, trên tinh thần du lịch đúng là một ngành kinh tế mũi nhọn. 

Liên quan đến công tác bảo tồn các di tích gắn nó với du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là một nội dung quan trọng. Du lịch không phải chỉ có gắn với di tích, nhưng đây là một thế mạnh của chúng ta. Tuy nhiên, từ nhiều khóa các đại biểu Quốc hội đã phản ánh rất nhiều về tình trạng xuống cấp của các di tích lịch sử, di tích văn hóa, đặc biệt là một số di tích lịch sử cách mạng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, mặc dù ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã rất nỗ lực, tuy nhiên nhu cầu vốn cho công tác tu bổ, sửa sang di tích nói chung, trong đó có khu di tích lịch sử cách mạng là luôn luôn trong tình trạng thiếu. Bên cạnh đó, các quy trình, thủ tục cũng rất phức tạp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương rồi đến Bộ. Vấn đề tu bổ, bảo tồn di tích phải có một tiêu chí cứng, bắt buộc bộ, ngành nào vẫn phải theo, nhưng quy định theo hướng phân cấp và kèm theo quy trách nhiệm. Như vậy các di tích văn hóa ở các địa phương mà bị xâm phạm, câu hỏi đầu tiên sẽ là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đề cập về vấn đề du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đây là một ngành tổng hợp, rất cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành, địa phương như các đại biểu đã có ý kiến. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đặc biệt rất cần sự vào cuộc hưởng ứng và tham gia trực tiếp của người dân. Một mặt chúng ta phải cải thiện cái môi trường du lịch.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, môi trường ở đây có nghĩa rộng hơn. Cả nước và nhiều địa phương đã có những lúc phát động những phong trào bây giờ mỗi người dân cho du lịch một nụ cười hay mỗi người dân một đại sứ du lịch. Điều này rất quan trọng và gắn với phong trào phát động, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lý giải, với du khách trong nước và quốc tế, dù dịch vụ chuyên nghiệp, bên trong khách sạn tốt đến mấy nhưng nếu ra bên ngoài gặp những biểu hiện, môi trường văn hóa không lành mạnh thì cảm xúc của du khách khi đi du lịch bị ảnh hưởng rất nhiều.

Liên quan đến văn hóa trên môi trường mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có văn bản trả lời trực tiếp với các đại biểu Quốc hội.

Đồng thời Phó Thủ tướng cho biết thêm, đời thực thế nào, trên mạng cũng như đời thực. Nhưng chúng ta cần lưu ý môi trường mạng khác đời thực ở tốc độ lan của thông tin. Thông tin trên mạng lan nhanh hơn và trên diện rộng hơn rất nhiều. Vấn đề này chúng ta chưa nhấn mạnh nhiều. Bằng các công nghệ mới, dựng video, hiệu ứng trên mạng mạnh hơn, hiệu ứng nhìn thật hơn nhiều. Do đó, tốc độ lan truyền và gây xúc cảm rất mạnh.