70 năm giải phóng Thủ đô

Nỗ lực thoát giảm phát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi thị trường thể hiện sự thất vọng đối với tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại của kinh tế Nhật Bản, Ngân hàng T.Ư nước này (BOJ) đã quyết định tiếp tục duy trì chính sách kích thích tiền tệ khổng lồ nhằm khẳng định cam kết của chính phủ với nhà đầu tư.

Gỡ khó cho kinh tế Nhật Bản

Nhận định tình hình tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng giá tiêu dùng vẫn đi đúng hướng, BOJ đã duy trì cam kết tăng tiền cơ sở - thước đo chính sách tiền tệ chủ chốt của mình. Theo đó, lượng tiền được bơm ra thị trường sẽ lên mức 60.000 - 70.000 tỷ Yen (590 - 690 tỷ USD). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, nhu cầu nội địa sẽ giảm sau khi tăng thuế doanh thu vào 1/4 tới và xuất khẩu sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ tăng trưởng, buộc BOJ phải tăng thêm kích thích tiền tệ.

 
Thống đốc Ngân hàng T.Ư Nhật Bản Haruhiko Kuroda.	 Ảnh: AFP
Thống đốc Ngân hàng T.Ư Nhật Bản Haruhiko Kuroda. Ảnh: AFP

Hiện chưa biết, lượng tiền mà BOJ  bơm ra thị trường là bao nhiêu nhưng nhiều người cho rằng, trong tình hình hiện tại, định chế tài chính này không có cách làm nào khác để gỡ khó cho kinh tế Nhật Bản. Số liệu công bố hôm 10/3 cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2013 sau khi điều chỉnh lần 2 của nước này là 1,5%, giảm so với ước tính tăng 1,6% đưa ra trước đó. Vì thế, nhiệm vụ nâng lạm phát lên 2% trong vòng 2 năm thông qua tích cực mua tài sản của BOJ nhằm chấm dứt 15 năm giảm phát kéo dài của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới càng ngày trở nên khó khăn.

Cơ hội cho Việt Nam

Việc BOJ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài, trong đó Việt Nam luôn là "đích đến" hàng đầu tại khu vực vì sự ổn định của môi trường chính trị, an ninh và dễ tuyển lao động. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và  triển khai có hiệu quả sáng kiến chung Nhật - Việt về cải thiện môi trường đầu tư nói riêng đã tạo ra một làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật Bản. Theo đó, từ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, giá trị đầu tư thấp thì nay nhờ chính sách ưu đãi tiền tệ kỷ lục từ BOJ, những cơ sở sản xuất tạo giá trị gia tăng cao, vốn đầu tư lớn đã quyết định "đổ bộ" sang Việt Nam.

Trên thực tế, Nhật Bản vẫn đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam khi đầu tư từ nước này trong năm 2013 (cả đăng ký cấp mới và tăng thêm) đạt 5,7 tỷ USD, chiếm 26,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Trong khi đó, theo một cuộc điều tra mới nhất do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, khoảng 60% doanh nghiệp Nhật cho biết đang kinh doanh có lãi, 70% trong số này đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh vì thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao, tỷ lệ này cũng vượt trội so với các nước khác. Rõ ràng, chính sách kích thích kinh tế kỷ lục của chính phủ Nhật Bản đã và đang trở thành một nhân tố giúp thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế Việt - Nhật.