Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực tìm đường xuất khẩu nông sản

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Giải pháp thị trường đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết đối với ngành nông nghiệp.

Sơ chế vải thiều xuất khẩu tại HTX sản xuất và thương mại Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Tuấn Anh

Nhiều ngành hàng giảm xuất khẩu

Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản hai tháng đầu năm 2020 đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Điều đáng khích lệ là trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu vẫn có giá trị tăng so với cùng kỳ năm trước. Gạo và sắn là hai mặt hàng tăng cả lượng và giá trị xuất khẩu trong hai tháng qua. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 890.000 tấn (tăng 27%); đạt giá trị 410 triệu USD (tăng 32,6%). Trong khi đó, xuất khẩu sắn đạt 130.000 tấn (tăng 40,1%); giá trị đạt 27 triệu USD (tăng 69,8%). Xuất khẩu lâm sản chính cũng tiếp tục tăng cao; trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 1,53 tỷ USD và mây tre, cói, thảm đạt 84 triệu USD (tăng lần lượt 10,1% và 24,2% so với cùng kỳ năm 2019).
Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng cần tập trung khai thác để xuất khẩu nông sản.Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục làm việc với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để phát triển thị trường tại các địa phương của quốc gia này vào một thời điểm phù hợp, khi dịch bệnh được kiểm soát.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Bên cạnh một số mặt hàng nông lâm sản có giá trị xuất khẩu tăng, trong hai tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu nhiều ngành hàng nông sản đã giảm sâu. Trong đó, mức giảm nhiều nhất là quế (đạt giá trị 11 triệu USD, giảm 39%). Tiếp đến là cá tra (đạt 226 triệu USD, giảm 27,4%); hạt điều (84 triệu USD, giảm 17,4%); cao su (256 triệu USD, giảm 16,1%); rau quả (513 triệu, giảm 11,9%)…
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng xuất khẩu nông sản giảm những tháng đầu năm 2020 được Bộ NN&PTNT đưa ra là do tháng 1/2020 là thời điểm nghỉ Tết Canh Tý. Thêm vào đó, Trung Quốc - thị trường chính nhập khẩu các mặt hàng trên bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến thương mại bị đình trệ. Ngoài ra, giá xuất khẩu của nhiều nông sản cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019…

Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường

Số liệu thống kê chỉ ra, trong hai tháng đầu năm 2020, 4 thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, EU và ASEAN. Trong 4 thị trường trên, chỉ có Mỹ với thị phần xuất khẩu chiếm 23,8% là có giá trị tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, 3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn còn lại đều có giá trị giảm trong hai tháng qua. Cụ thể, Trung Quốc chiếm thị phần 23,8%, nhưng giá trị giảm 15,3%; EU chiếm thị phần 12,2%, có giá trị giảm 11,7% và ASEAN chiếm thị phần 9,7% và giảm 0,3% giá trị xuất khẩu.
Hiện, dịch Covid-19 chưa dừng lại, thậm chí còn lan rộng ra nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á và châu Âu. Chính vì vậy, xuất khẩu nông sản được cho là sẽ còn chịu ảnh hưởng lớn hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần xem đây là một cơ hội, một “áp lực tích cực”. Theo đó, các địa phương cần nghiên cứu, quy hoạch lại vùng sản xuất; tránh tình trạng canh tác ồ ạt, đổ dồn vào một ngành hàng dẫn đến dư thừa sản phẩm, cung vượt cầu. Cùng với đó, tăng cường liên kết giữa DN với người nông dân trong sản xuất - tiêu thụ nông sản.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất đang được Bộ NN&PTNT tích cực triển khai là mở rộng thị trường xuất khẩu. “Vừa qua, đoàn công tác của Bộ đã đi tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Mỹ và một số nước châu Á. Sắp tới, sẽ tiếp tục làm việc với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để xúc tiến thương mại cho nông sản xuất khẩu” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.