Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực tự thân, sức bật cơ chế cho công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự phát triển của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) còn gặp phải rất nhiều khó khăn. Nỗ lực tự thân và những cơ chế, chính sách tháo gỡ là lời giải giúp doanh nghiệp vào sâu các chuỗi giá trị toàn cầu.

Chia sẻ tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) ngày 13/10, Chủ tịch Hansiba Nguyễn Hoàng cho biết, hiện nay các doanh nghiệp ngành CNHT đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc đầu tư, xây dựng phát triển CNHT trên địa bàn TP Hà Nội lại càng khó khăn do chi phí thuê mặt bằng sản xuất, nhân công và một số dịch vụ khác tăng cao.

Giải pháp vượt khó khăn

Tổng Thư ký Hansiba Trần Phương Lam chia sẻ. Ảnh: Khắc Kiên
Tổng Thư ký Hansiba Trần Phương Lam chia sẻ. Ảnh: Khắc Kiên

Tổng Thư ký Hansiba Trần Phương Lam thông tin, dự kiến phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, Hiệp hội kiện toàn, điều chỉnh lại mô hình tổ chức giai đoạn 2022 - 2025; rà soát, kiện toàn, xây dựng quy chế hoạt động của các ban chuyên môn; phân loại các nhóm doanh nghiệp theo ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh để có hướng hỗ trợ, tổ chức công tác xúc tiến thương mại; định kỳ tổ chức các số Cafe Doanh nhân để tạo điều kiện, môi trường cho các hội viên tham gia, giao lưu, kết nối và xúc tiến thương mại...

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Khắc Kiên
 

Hiệp hội cùng các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin chính xác để báo chí là cầu nối phản ánh rõ tới các cấp. Đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành được công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nhưng sẽ phải nỗ lực với những giải pháp thiết thực, cụ thể vào cuộc tức thời để không bị chậm chân.

Chủ tịch Hansiba Nguyễn Hoàng

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Kiều Thanh Hùng, để có sự đồng hành, thay đổi nhận thức là cả quá trình, qua đó mới có hành động đúng, hiểu được CNHT Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang đứng ở đâu mới có quyết sách đúng. Sắp tới, các hãng lớn sẽ chuyển giao một phần công nghệ thì cần phải hiểu được xu thế dịch chuyển ra sao mới có phản biện trúng.

Cùng quan điểm, Tổng Biên tập tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp Phạm Ngọc Tuấn cũng cho rằng, để phát triển ngành CNHT nên xây dựng cơ chế. Trước chưa đến đâu, nay có sự quyết liệt của hiệp hội và các doanh nghiệp sẽ tạo tiền đề để phát triển. Tuy nhiên, việc này không phải đơn giản mà cần có hành lang pháp lý, cơ chế chính sách hỗ trợ đón đầu dịch chuyển.

Chính phủ mong muốn Việt Nam sẽ trở thành công xưởng mới, hiện đại, chứ không thể lạc hậu mãi bằng việc tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại trên môi trường số của thế giới. “Báo chí sẵn sàng đồng hành, vào cuộc cùng phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị để CNHT chiếm lĩnh thị phần với chính sách sát thực” - ông Phạm Ngọc Tuấn nói.

7 kiến nghị thực tế

Chủ tịch Hansiba Nguyễn Hoàng chia sẻ, dù đã có hệ thống chính sách ưu đãi tương đối hoàn thiện nhưng dường như doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được. Nguyên do các chính sách còn nhiều vướng mắc trong khâu thực hiện, một số quy định ưu đãi còn chung chung khiến cơ quan thừa hành cấp dưới lúng túng trong triển khai.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất thuộc doanh nghiệp thành viên Hansiba. Ảnh: Khắc Kiên
Công nhân trong dây chuyền sản xuất thuộc doanh nghiệp thành viên Hansiba. Ảnh: Khắc Kiên

Xuất phát từ những tồn tại đối với sự phát triển của ngành CNHT hiện nay, ông Nguyễn Hoàng thông tin, cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ quan tâm, xem xét những đề xuất, kiến nghị xuất phát từ thực tế hoạt động.

Thứ nhất, đề xuất Chính phủ sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội sớm ban hành trong nhiệm kỳ này.

Thứ hai, đề xuất các cơ quan chức năng xem xét thành Ban chỉ đạo cấp Nhà nước do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, với sự tham gia của một số bộ, ban ngành và địa phương cùng đại diện doanh nghiệp CNHT để thống nhất chỉ đạo thúc đẩy giải quyết khó khăn, vướng mắc cho ngành.

Thứ ba, cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển từng lĩnh vực cụ thể trong ngành CNHT tránh tình trạng nhà nhà, tỉnh nào cũng đua nhau phát triển CNHT, nhằm hạn chế việc lãng phí nguồn lực đầu tư của cả Nhà nước và doanh nghiệp.

Thứ tư, cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn gồm lãi suất và thời gian, hạn mức vay,… do hiện nay các quy định về điều kiện vay vốn của các doanh nghiệp CNHT vẫn chưa thật phù hợp. Có thể nghiên cứu thành lập quỹ tài chính riêng cho các doanh nghiệp CNHT dưới dạng quỹ mở để thu hút nhiều nguồn lực cả trong và  ngoài nước.

Thứ năm, có thể nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành CNHT và CNHT công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài để có khả năng sản xuất, liên kết tham gia chuối sản xuất, giá trị toàn cầu.

Thứ sáu, nghiên cứu thành lập các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoặc Nhà nước cổ phần với các doanh nghiệp tư nhân để sản xuất các sản phẩm CNHT then chốt phục vụ dân sinh và quốc phòng. Sau khi thành công có thể sẽ bán đấu giá các công ty 100% vốn Nhà nước này cho tư nhân quản lý.

Thứ bảy, cần tập trung nâng cao hoạt động kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn đang có mặt tại Việt Nam nhằm thúc đẩy việc các ông lớn FDI này có thể “kèm cặp”, đặt hàng các doanh nghiệp CNHT trong nước nhằm thúc đẩy sự phát triển và hiện đại hóa ngành tại Việt Nam.

Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh cho rằng, dù đã có các nghị định nhưng thực tế vẫn chưa sát thực, sắp tới nếu có luật sẽ cải thiện được tình hình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên tạo ra sự liên kết không chỉ tại Hà Nội, mà cả nước và với thế giới. Tham gia vào chuỗi cung ứng cần phải đáp ứng được yêu cầu cao mới có thể đi xa. CNHT là cốt lõi, nhưng đòi hỏi doanh nghiệp phải có lộ trình, chứ dù tham gia lâu rồi nhưng hiện trạng bây giờ mới chỉ bắt đầu.

Đồng thời vấn đề công nghệ, có doanh nghiệp đầu chuỗi tại Việt Nam, chứ không phải tham gia vào chuỗi của các doanh nghiệp nước ngoài đòi hỏi các doanh nghiệp nâng cao năng lực, tránh phụ thuộc. "Hy vọng có luật sẽ hỗ trợ được nhiều hơn cho CNHT. Chính sách trước đây đẹp nhưng dường như vẫn trên giấy, giờ cần ở sự vào cuộc của chính các doanh nghiệp, có ý kiến đóng góp để gửi đến các cấp đưa ra chính sách sát thực” - vị này chỉ ra.