70 năm giải phóng Thủ đô

Nỗ lực vì niềm tự hào mang tên Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gặp rất nhiều bất lợi về mặt khách quan ở SEA Games lần này, nhưng theo ông Phan Anh Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo VĐV chất lượng cao Hà Nội, lãnh đạo ngành thể thao và các vận động viên (VĐV) TP vẫn quyết tâm giữ vững lá cờ đầu của nền thể thao nước nhà.

Nỗ lực vì niềm tự hào mang tên Hà Nội - Ảnh 1Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Tú cho biết: “Từ tất cả các kỳ SEA Games trước, Hà Nội luôn được giao nhiệm vụ là lá cờ đầu của thể thao Việt Nam, giành được trung bình 1/3 số HCV của toàn đoàn. Năm nay, có nhiều môn thế mạnh của TP không có trong chương trình thi đấu (vật, cử tạ), hoặc bị cắt giảm nội dung (wushu tán thủ nữ và một số hạng cân tán thủ nam). Như vậy, riêng môn vật dự kiến ta đã mất khoảng 10 HCV, wushu mất 3 HCV. Không những thế, việc SEA Games năm nay tổ chức sớm hơn các lần trước đến vài tháng (thông thường tổ chức vào tháng 12), nên các chương trình luyện tập, thi đấu cọ xát của chúng ta chưa được đảm bảo về mặt thời gian. Mặc dù gặp rất nhiều bất lợi khách quan như vậy, nhưng lãnh đạo ngành thể thao Hà Nội vẫn mạnh dạn nhận vai trò lá cờ đầu của mình với mục tiêu giành 17 - 20 HCV đóng góp vào thành tích chung (chỉ tiêu của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 là 56 - 65 HCV).

Thưa ông, thể thao Hà Nội có bị động khi một số môn mũi nhọn không được đưa vào chương trình thi đấu? Và căn cứ vào đâu để ngành thể thao TP vẫn đặt chỉ tiêu khá cao như vậy?

- Việc cắt bỏ một số môn thi đấu tại các kỳ SEA Games không còn là chuyện bất ngờ nữa, đó là chuyện đã trở thành bình thường tại sân chơi khu vực Đông Nam Á. Với một lực lượng VĐV nhiều và mạnh cùng sự quan tâm của UBND TP và Sở VHTT&DL, thể thao Hà Nội đã có những hướng đầu tư trọng điểm một cách kịp thời. Năm nay, Hà Nội lại có thêm nhiều nhân tố mới từ các môn điền kinh, thể dục dụng cụ, đây là những VĐV đã trải qua thử thách và đạt thành tích cao ở các giải đấu cấp châu lục và thế giới. Vì vậy, nếu các VĐV này giành được thành tích cao nhất tại SEA Games 28 cũng không có gì bất ngờ. Điển hình cho các nhân tố mới đó là Bùi Thị Thu Thảo - á quân nội dung nhảy xa nữ ở ASIAD 17 vừa qua.

Có thể khẳng định, với sự đầu tư và quan tâm của lãnh đạo TP, Hà Nội hiện có một đội ngũ VĐV mạnh ở rất nhiều môn cơ bản, có thể thi đấu cả ở SEA Games, ASIAD, Olympic… Vì thế, những biến động liên tục tại các kỳ SEA Games (các nước chủ nhà bớt đi các môn không có thế mạnh) ảnh hưởng không nhiều đến thành tích chung của thể thao Hà Nội.

Các VĐV Hà Nội cần những sự quan tâm nào để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ khá khó khăn tại SEA Games 28, thưa ông?

- Các VĐV thể thao Hà Nội luôn được đầu tư và quan tâm cao nhất từ phía UBND TP và các cơ quan liên quan. Cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu luôn đứng đầu cả nước. Các khoản thưởng dành cho các VĐV đạt thành tích cao luôn được đảm bảo. Ngay sau khi kết thúc SEA Games 27, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã có ngay cuộc gặp mặt biểu dương và phát thưởng (từ nguồn thưởng xã hội hóa) cho các VĐV Hà Nội đạt thành tích cao. Chính vì vậy, lãnh đạo ngành thể thao TP luôn quán triệt đến các VĐV Hà Nội thi đấu tại SEA Games này: Phải thi đấu và chiến đấu vì một niềm tự hào mang tên: Hà Nội. Phải nỗ lực vì những gì mà TP đã quan tâm và đầu tư, trên hết phải cố gắng có thành tích cao vì sự tin yêu của Nhân dân Thủ đô đã dành cho những VĐV Hà Nội.

Xin cảm ơn ông!