Nỗ lực vươn mình trở thành huyện phát triển tiêu biểu của Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát huy truyền thống anh hùng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất luôn đoàn kết xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.

Đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tham quan Nhà vườn sinh vật cảnh xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất. 	Ảnh: Ngọc Ánh
Đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tham quan Nhà vườn sinh vật cảnh xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất. Ảnh: Ngọc Ánh
Cùng với sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ của Thủ đô, Thạch Thất đang nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu trở thành huyện phát triển mạnh về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.

Hôm nay (29/6), Đảng bộ huyện Thạch Thất long trọng tổ chức Đại hội điểm nhiệm kỳ 2015 – 2020. Với những thành tựu về kinh tế - xã hội đã đạt được, trong tương lai gần, Thạch Thất sẽ không ngừng đổi mới, vươn mình trở thành huyện phát triển tiêu biểu của Thủ đô.

Đột phá từ phát triển kinh tế
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội phấn đấu đến năm 2020
- Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12,68%, trong đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 13,2%; thương mại - dịch vụ, du lịch đạt 15,5%; nông, lâm, thủy sản đạt 2,5%.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 70%; thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 21%; nông, lâm, thủy sản chiếm 9%.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,5%.
- 100% số xã đạt chuẩn NTM.
- 80% số trường mầm non, tiểu học, THCS công lập đạt chuẩn quốc gia.
- 85% người dân tham gia BHYT.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65,5%; tỷ lệ lao động có việc làm đạt 98,5%.

Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất đã nỗ lực vượt qua, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn luôn đạt cao, tổng nguồn vốn đầu tư trong 5 năm (2010 – 2015) đạt trên 9.800 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt xấp xỉ 12%/năm. Năm 2015, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 12.500 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản.

Trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế cùng với việc lấy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là ngành mũi nhọn, Thạch Thất đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế nổi bật. Năm 2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng ước đạt trên 8.500 tỷ đồng. Để có được kết quả trên, huyện đã tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các DN, các hộ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển. Bên cạnh đó, huyện đã hoàn thiện hạ tầng của một khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 160ha, tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 1.000 DN và hộ gia đình có mặt bằng sản xuất ổn định, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Đáng chú ý, các làng nghề tiếp tục được huyện duy trì và phát triển mạnh. Đến nay, Thạch Thất đã có 10 làng được công nhận làng nghề truyền thống, với 13.731 hộ sản xuất, thu hút 36.618 lao động, chiếm khoảng 75% giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Toàn huyện hiện có 925 DN, HTX và 21.500 hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, huyện còn phát triển phong phú, đa dạng các hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch. Nhiều DN trên địa bàn đã mở rộng hợp tác với các DN nước ngoài để xuất khẩu sản phẩm làng nghề. Năm 2015, tổng giá trị thương mại - dịch vụ - du lịch ước đạt trên 2.500 tỷ đồng.

 Nhằm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, Thạch Thất là huyện đi đầu TP về đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, cấy và thu hoạch lúa. Huyện tuyển chọn và đưa vào sản xuất nhiều giống lúa mới ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện đã vận động Nhân dân nhân rộng các mô hình trồng hoa, rau an toàn, cây ăn quả, cây cảnh, cây bóng mát cho thu nhập cao gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 167 mô hình chăn nuôi cho thu nhập cao. Năm 2015, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 1.400 tỷ đồng.

Văn hóa – xã hội chuyển biến tích cực

Thực hiện Chương trình số 02 – CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân", Thạch Thất đã tập trung xây dựng nhiều chương trình, đề án, dự án với sự tham gia nhiệt tình của các tầng lớp Nhân dân.

Huyện đã đầu tư 3.700 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó, huy động xã hội hóa được trên 1.500 tỷ đồng và 20.100m2 đất. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa ở cơ sở... đều được đầu tư đồng bộ. Sau gần 5 năm thực hiện, đến nay, Thạch Thất có 10 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại cố gắng phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2015 và 2016. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Trên địa bàn huyện, 100% các thôn có nhà văn hóa, các trung tâm văn hóa, sân thể thao, điểm bưu điện… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, rèn luyện của người dân. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu được huyện hết sức coi trọng. Các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng được tôn tạo, giữ gìn là điểm tham quan, nghiên cứu, học tập nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ học sinh. Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" cũng đang được đẩy mạnh cả bề rộng lẫn chiều sâu. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được người dân hưởng ứng tích cực.

Xác định nguồn nhân lực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững, Thạch Thất hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục đào tạo, trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Toàn huyện có 39/77 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập đạt chuẩn quốc gia. 23/23 xã, thị trấn đều có Hội khuyến học, nhiều thôn và hầu hết các dòng họ có quỹ khuyến học. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân được quan tâm. 100% số xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020. Quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...
Thành ủy viên - Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn HoànChuẩn bị chu đáo, giải quyết kịp thời mọi vấn đề ngay từ cơ sở
Nỗ lực vươn mình trở thành huyện phát triển tiêu biểu của Thủ đô - Ảnh 1Kinh nghiệm chỉ đạo Đại hội thời gian qua cho thấy công tác chuẩn bị Báo cáo chính trị, dự thảo Nghị quyết, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội là các khâu quan trọng, quyết định đến thành công của Đại hội. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm nâng cao trách nhiệm của các tiểu ban. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy chú trọng việc nắm chắc tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ và kịp thời giải quyết mọi vấn đề ngay từ cơ sở. Tất cả nhằm tổ chức một Đại hội Đảng bộ thành công, xứng đáng là đơn vị điểm của TP.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Sơn HàQuy hoạch nhân sự đúng, trúng, đảm bảo tiêu chí theo quy định
Nỗ lực vươn mình trở thành huyện phát triển tiêu biểu của Thủ đô - Ảnh 2Xác định công tác nhân sự là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của ĐH nên Thạch Thất luôn chủ động trong khâu này. Do đó, các bước chuẩn bị được bám sát vào quy hoạch nhân sự đã được phê duyệt. Trước đó, Thạch Thất đã tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nguồn, mời các chuyên gia đầu ngành của T.Ư về giảng dạy cho các học viên. 100% cán bộ trong quy hoạch đều đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí về độ tuổi, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch Thất Kiều Đức Sinh: Huy động sức mạnh khối đại đoàn kết
Nỗ lực vươn mình trở thành huyện phát triển tiêu biểu của Thủ đô - Ảnh 3Nhiệm vụ chủ yếu của MTTQ là tuyên truyền, vận động tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết của các tổ chức chính trị: Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Bởi, đây là nòng cốt được coi là những "chân rết" trong khối đại đoàn kết, góp phần làm nên thành công của ĐH Đảng bộ huyện. Theo đó, MTTQ huyện đã tập trung tuyên truyền trên mọi lĩnh vực, trọng tâm là tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa của ĐH Đảng. Có đợt cao điểm, MTTQ huyện đã phải huy động toàn bộ nhân lực của 196 ban công tác mặt trận và 996 nhóm mặt trận nòng cốt trực tiếp hướng dẫn, trao đổi, nắm bắt tình hình tại cơ sở để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho người dân. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần