Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nở rộ bán sách online

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay, Bộ TT&TT đã quyết định hội sách truyền thống sẽ được thay thế bằng hội sách online. Hàng loạt các trang mạng bán lẻ như Shopee, Tiki... và các trang giao dịch của các nhà sách cũng bắt đầu "ăn nên làm ra" từ việc bán sách online.

 Bán sách online trên trang Tiki. Ảnh: Trần Dũng

Lần đầu đạt mức tăng trưởng 150%
Đầu năm, Hội sách Xuân Canh Tý Hà Nội tấp nập người đến tìm đọc các tác phẩm yêu thích. Nhưng không lâu sau đó, xuất hiện dịch Covid-19, các nhà sách thưa vắng dần. Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Văn hóa Phương Nam Nguyễn Hữu Hoạt, trong tháng 2, doanh số của công ty giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở Huế, Đà Nẵng doanh số còn giảm tới 50%”. Tương tự, hệ thống nhà sách Cá Chép cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Theo Trưởng phòng Kinh doanh Công ty sách Đông A, quản lý nhà sách Cá Chép Nguyễn Việt Thắng: “Thời điểm có dịch, số lượng sách bán ra tại các hệ thống nhà sách giảm 30% so với trước đây”.
Tuy nhiên, khi hình thức bán sách trực tiếp bị hạn chế, đông đảo bạn đọc đã lựa chọn hình thức mua sách qua mạng. Nhiều đơn vị phân phối sách online cho biết, lượng sách bán ra tăng hơn so với thời điểm năm ngoái. Theo ghi nhận của Tiki - đơn vị lớn nhất trong bán sách online hiện nay trong hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng mặt hàng sách tăng 150%. Trong đó, 5 mảng sách bán chạy nhất là văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Theo ghi nhận của một số đơn vị như Fahasa, Alphabooks, Nhã Nam, Thái Hà book, sự tăng trưởng này với mức từ 20 - 30%.
Đua nhau tổ chức hội sách online
Để có được những con số tăng trưởng về sách online ấn tượng như trên, yếu tố tâm lý người mua online để tránh dịch là một phần, một mặt, các đơn vị phân phối, phát hành sách đã thực hiện nhiều chương trình bán hấp dẫn. Giám đốc ngành hàng sách tại trang Tiki Đỗ Huy Quốc chia sẻ: “Hàng năm, Tiki thường tổ chức hội sách online vào tháng 10. Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 3 năm nay, Tiki đã tổ chức hội sách online nhằm bảo đảm trải nghiệm mua sắm của khách hàng trên toàn quốc được trọn vẹn và an toàn nhất”. Tương tự, Fahasa cũng tổ chức hội sách online tháng 3 để bù đắp cho độc giả khi Hội sách TP Hồ Chí Minh không thể diễn ra. Cả hai hội sách online của Tiki và Fahasa đều ngập tràn chương trình ưu đãi giá, các combo sách, sách đồng giá, quà tặng kèm. Anh Phạm Quốc Khánh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Việc từ bỏ thói quen đến các hiệu sách là không dễ. Tuy nhiên, khi mua sách qua hệ thống trực tuyến, tôi cảm thấy an toàn hơn. Bên cạnh đó, việc các NXB tổ chức các chương trình khuyến mãi cũng giúp tôi mua được nhiều sách với giá thành hợp lý".
Nhiều đơn vị lâu nay có thế mạnh với cửa hàng truyền thống đang xây dựng những chương trình bán hàng trực tuyến. Tổng Giám đốc Công ty CP Văn hóa Phương Nam Nguyễn Hữu Hoạt chia sẻ: “Online không phải là thế mạnh của chúng tôi nhưng giờ đây nó là một hướng đi mới”. Còn Công ty Đông A cũng tổ chức phương thức giao hàng linh hoạt như giao sách tận nhà trong nội thành Hà Nội chỉ trong 30 phút.
Bên cạnh sự chủ động của các đơn vị NXB, phát hành, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) trước mắt sẽ triển khai hội sách online trong khoảng một tháng nhằm thu hút 5 - 10 triệu lượt người tham dự. Đồng thời tiếp tục duy trì sàn giao dịch điện tử; phát triển trở thành sàn giao dịch sách hiệu quả. Đặc biệt, Cục cũng đề xuất với Bộ TT&TT kêu gọi sự vào cuộc, phối hợp của các DN để cùng các đơn vị xuất bản tháo gỡ khó khăn. Đơn cử như, các công ty mạng viễn thông có thể giảm phí thu từ bán sách điện tử hoặc hỗ trợ cung cấp một số gói quy đổi lợi ích khác.
Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa ban hành kế hoạch tổ chức Hội sách online chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7. Theo đó, Hội sách sẽ được tổ chức từ ngày 19/4 - 20/5 tại sàn book365.vn (NXB Thông tin và Truyền thông). Hội sách sẽ tổ chức gian hàng của các NXB, công ty phát hành giới thiệu sách trực tuyến; phục vụ bán sách online; giới thiệu tác giả, tác phẩm; tọa đàm kết nối trên không gian mạng.