Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nở rộ xu hướng du lịch cộng đồng

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, khách du lịch có xu hướng tìm đến Tây Bắc để du lịch và trải nghiệm cảm giác “cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, lao động sản xuất” với người dân địa phương.

Nắm bắt thị hiếu này, người dân Tây Bắc đã phát triển nhiều mô hình du lịch mới, không chỉ có thêm thu nhập mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Khi người dân làm du lịch
Tháng 6/2019, trong hành trình khám phá Đông Nam Á, Erzi Bekmez (Thụy Điển) đến Việt Nam. Sau khi tham quan TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, anh quyết định đi phượt bằng xe máy cùng vợ lên Lào Cai và Hà Giang.
Trên tay là chiếc điện thoại thông minh có cài sẵn Google map và “cẩm nang” dành riêng cho khách du lịch nước ngoài, Erzi Bekmez chia sẻ: “Tôi muốn tự đi để có thể dừng chân ở bất kỳ đâu để chụp ảnh, tìm hiểu văn hóa”.
Tại Lào Cai, thay vì ở trong các khách sạn sang trọng ở Sa Pa, Erzi Bekmez đã lựa chọn ở trong một căn homestay (nhà ở của người dân có phòng cho khách du lịch thuê) tại Tả Van để “trải nghiệm cảm giác hoang sơ, ăn những món ăn bản địa và có cơ hội tiếp xúc gần hơn với người dân ở đây” – Erzi Beckmez cho hay. Có thể thấy, khách du lịch quốc tế ngày càng có xu hướng tự mình trải nghiệm để tìm hiểu, gần gũi hơn với văn hóa, con người bản địa.
Khách du lịch trải nghiệm làm mùa tại bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang mùa lúa chín. Ảnh: Phạm Hùng
Những năm qua, Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên áp dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn với du lịch cộng đồng. Điển hình mô hình homestay ngày càng phát triển rộng rãi, trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với du khách trong nước mà còn mới lạ với khách quốc tế.
Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai Trần Thị Tố Uyên: “Để xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, Lào Cai thực hiện thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại 2 xã Bản Hồ và San Sả Hồ (huyện Sa Pa).
Sau đó, tỉnh đã nhân rộng ra các xã Tả Van, Tả Phìn, Thanh Kim (huyện Sa Pa) và các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát. Qua đó, du lịch cộng đồng của tỉnh đã từng bước khẳng định thương hiệu, tham gia tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm, đem lại những nguồn lợi quan trọng cho bà con dân tộc thiểu số cũng như làm thay đổi bộ mặt làng bản, phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Nhờ sự chủ động của địa phương và người dân trong việc khai thác, phát triển du lịch cộng đồng, đời sống của người dân Tây Bắc ngày càng được nâng cao. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết: “Thông qua việc cung cấp dịch vụ cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và lao động sản xuất cho du khách, người dân đã có thêm thu nhập và hưởng thụ trực tiếp từ du lịch.
Những năm gần đây, nhờ việc phát triển du lịch, nhiều tỉnh vùng cao Tây Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Yên Bái… đã có doanh thu hàng tỷ đồng/năm từ cung cấp dịch vụ homestay và các dịch vụ khác. Thu nhập của nhiều hộ gia đình tại các làng bản làm du lịch đạt 50 - 60 triệu đồng/năm”.
Gìn giữ văn hóa truyền thống
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang mai một. Do đó, du lịch là một trong những giải pháp hữu hiệu để người dân gìn giữ thường xuyên, hiệu quả các nét đẹp văn hóa truyền thống.
 Vẻ đẹp vùng cao mùa lúa chín. Ảnh: Công Hùng
Theo Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang Nguyễn Hồng Hải: “Phát triển mô hình du lịch tại các bản làng đã giúp các địa phương gìn giữ phong tục tập quán, văn hóa xưa. Thông qua các mô hình này, du khách được tìm hiểu nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa của người Tày, Mông, Phù Lá, Giáy…
Bên cạnh đó, du khách được trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của cộng đồng, được hưởng thụ, cảm nhận những nét văn hóa địa phương đặc sắc. Đặc biệt, mô hình giúp du khách có thêm tình yêu với phong tục, văn hóa, môi trường, nếp sống của người dân; bảo tồn, phát huy, quảng bá những nét đẹp của văn hóa bản địa”.
Phát triển du lịch tại các làng bản đã tác động đến ý thức xây dựng môi trường, cảnh quan văn minh, sạch sẽ; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc (khôi phục lễ hội, khai thác ẩm thực, trang phục, nghệ thuật truyền thống) nhằm tạo điểm khác biệt so với các khu đô thị để thu hút khách du lịch. Nhờ đó, cảnh quan, môi trường, đời sống văn hóa tinh thần của nhiều khu vực được thay đổi đáng kể, trở thành những vùng quê đáng sống.