Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ thuế khó thu tăng hàng nghìn tỷ đồng, đốc thu vẫn thiếu quyết liệt

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến ngày 31/12/2017, tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý là 82.659 tỷ đồng, tăng 0,8% (681 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nợ khó thu tăng 26% (6.689 tỷ đồng); nợ chờ xử lý tăng 9% (408 tỷ đồng).

Trong khi đó, công tác đôn đốc thu nợ thuế của cơ quan thuế tại một số địa phương chưa quyết liệt, áp dụng các biện pháp cưỡng chế chưa kịp thời, chưa triệt để với các DN chây ì.
KTNN xác định số phải nộp ngân sách tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng 542 tỷ đồng
31/49 cục thuế tổng hợp chưa đầy đủ số nợ đọng hơn 4.000 tỷ đồng
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho thấy, tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31/12/2017 là 82.659 tỷ đồng, tăng 0,8% (681 tỷ đồng) so với cùng kỳ của năm 2016 (82.659 tỷ đồng/81.978 tỷ đồng). Trong đó, nợ có khả năng thu giảm 12,5% (6.416 tỷ đồng); nợ khó thu tăng 26% (6.689 tỷ đồng); nợ chờ xử lý tăng 9% (408 tỷ đồng).
Mặc dù tỷ trọng nợ thuế so với thu nội địa (trừ dầu thô) giảm so với các năm trước; song hầu hết các địa phương có dư nợ khó thu tăng, trong đó một số địa phương có mức tăng cao. Số nợ thuế đến 31/12/2017 bằng 8,5% số thực thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017, không đạt mức phấn đấu (5%) theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó 55/63 địa phương không đạt mức phấn đấu, đặc biệt 6 địa phương có tỷ lệ dư nợ thuế trên 20%.
Có 31/49 cục thuế được kiểm toán tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ đọng thuế 4.130 tỷ đồng. Ngoài các nguyên nhân do tình hình kinh doanh khó khăn, thua lỗ, không chấp hành, chây ỳ, nợ thuế kéo dài thì công tác đôn đốc thu nợ thuế của cơ quan thuế tại một số địa phương chưa quyết liệt, áp dụng các biện pháp cưỡng chế chưa kịp thời, triệt để. Một số cơ quan thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu của ngành về thu hồi nợ đối với các khoản nợ thuế có khả năng thu đến 31/12/2016; phân loại nợ chưa chính xác.
Miễn, giảm thuế trong lĩnh vực xã hội hóa chưa đảm bảo điều kiện
Cũng theo kết quả kiểm toán của KTNN, tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra và chậm được khắc phục.
Kết quả kiểm toán, KTNN xác định số phải nộp tăng thêm 19.858  tỷ đồng, trong đó, một số đơn vị có kiến nghị nộp NSNN lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 5.773 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại XNK Thanh Lễ 1.768 tỷ đồng; Tổng công ty Thép Việt Nam 572 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam 542 tỷ đồng; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp 861 tỷ đồng....
Đặc biệt, qua đối chiếu thuế 3.171 DN ngoài quốc doanh tại 49 địa phương, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.635 tỷ đồng tại 2.921 doanh nghiệp (chiếm 92,1% DN đối chiếu).
Về công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế còn tình trạng chưa quản lý thu thuế đầy đủ đối với hoạt động xây dựng nhà ở tư nhân; miễn, giảm thuế trong lĩnh vực xã hội hóa chưa đảm bảo điều kiện theo quy định; chậm tính và phát hành thông báo tiền thuê đất để thu nộp vào NSNN hoặc xác định tiền thuê đất chưa theo mục đích, ví trí sử dụng đất; thuê đất nhiều năm nhưng chưa lập bộ, quản lý tiền thuê đất….
Việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan hải quan còn hạn chế. Cụ thể, một số cơ quan hải quan chấp nhận giá tính thuế của mặt hàng quặng sắt xuất khẩu chưa phù hợp quy định dẫn đến tính thiếu thuế xuất khẩu 405 tỷ đồng (Cục Hải quan Lào Cai); xác định mã hàng chưa phù hợp quy định về phân loại hàng hóa (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh); xác định doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu ô tô theo hình thức biếu tặng chưa phù hợp (Cục Hải quan TP Đà Nẵng).