Nổ vệ tinh quân sự Mỹ, nhiều mảnh vỡ bay vào quỹ đạo Trái Đất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do nhiệt độ thay đổi bất thường, một vệ tinh quân sự Mỹ 20 năm tuổi đã phát nổ và khiến hàng chục mảnh vỡ bay vào quỹ đạo Trái Đất.

Theo thông tin từ truyền thông Mỹ công bố ngày 3/3, vệ tinh số 13 thuộc Chương trình vệ tinh khí tượng quốc phòng (DMSP-F13) đã bị mất kiểm soát và phát nổ do nhiệt độ đột ngột tăng cao. 

Vụ nổ khiến ít nhất 43 mảnh vỡ bay vào quỹ đạo Trái Đất.

Các nhà điều tra loại trừ khả năng xảy ra va chạm giữa vệ tinh với rác bay trong vũ trụ, cũng như các yếu tố bên ngoài khác.
Nổ vệ tinh quân sự Mỹ, nhiều mảnh vỡ bay vào quỹ đạo Trái Đất - Ảnh 1
Trong khi đó, trang SpaceNews dẫn lời một quan chức thuộc Không quân Mỹ cho biết "do vệ tinh này không còn được Cơ quan khí tượng quốc gia (NWS) và Cơ quan thời tiết của Không quân Mỹ (AFWA) sử dụng nên vụ nổ không gây ảnh hưởng nhiều."

Vệ tinh DMSP-F13 bay quanh Trái Đất ở khoảng cách 804km nhằm cung cấp hình ảnh về bề mặt hành tinh xanh 2 lần/ngày. Đây là vệ tinh được quân đội Mỹ phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước và được phóng lên quỹ đạo năm 1995. Đây cũng là vệ tinh lâu đời nhất còn hoạt động trong hệ thống vệ tinh thời tiết DMSP.

Đây không phải là lần đầu tiên vệ tinh quân sự Mỹ phát nổ sau nhiều năm hoạt động. Hồi tháng 4/2004, vệ tinh 13 năm tuổi DMSP-F11 cũng phát nổ khiến 56 mảnh vỡ bay vào quỹ đạo Trái Đất. Tuy nhiên, vệ tinh này đã ngừng hoạt động trước khi gặp nạn.

Hiện tại, Không quân Mỹ vẫn còn 6 vệ tinh hoạt động trong chương trình của DMSP. Dự kiến, vệ tinh DMSP thứ 7 sẽ được phóng đi vào năm 2016, hai năm sau khi vệ tinh DMSP F-19 được phóng hồi tháng 4 năm ngoái.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần