Nợ xấu ít nhất 15% tổng tài sản ngân hàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa công bố báo cáo triển vọng về hệ thống ngân hàng 2014.

Theo đó, Moody's duy trì “triển vọng tiêu cực” với hệ thống ngân hàng Việt Nam, song vẫn công nhận những dấu hiệu ổn định gần đây về kinh tế vĩ mô và những quy định pháp lý có thể mang lại lợi ích trong hai hoặc ba năm tới.

Theo ước tính mà Moody’s đưa ra, tài sản có vấn đề trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam phải chiếm ít nhất 15% tổng tài sản, cao hơn nhiều so với con số nợ xấu 4,7% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vào tháng 10/2013.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong số những diễn biến tích cực được nhắc đến, Moody’s nhấn mạnh việc Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi để bình ổn tình hình thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, từ đó đẩy lùi nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng hệ thống.

Tuy nhiên, ông Gene Fang, Phó Chủ tịch kiêm chuyên viên phân tích cao cấp của Moody's lại tỏ ra khá thận trọng khi cho rằng: “Chúng tôi không mong đợi một cải thiện đáng kể trên diện rộng về vốn hóa của các ngân hàng Việt Nam trong 12 đến 18 tháng tới. Nguồn vốn vẫn không đủ để bù đắp những thua lỗ tiềm tàng xuất phát từ chất lượng tài sản yếu kém”.

Do đó, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn còn trì trệ trong một môi trường hoạt động đầy thách thức khi cải thiện vị thế bên ngoài chưa giúp phục hồi nhu cầu trong nước. Nhu cầu vay yếu đang ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận của ngân hàng - không đủ để bù đắp chi phí tín dụng tăng và cải thiện vốn nội bộ.

Ngoài ra, theo đánh giá của Moody's, những chính sách gần đây của Việt Nam như đưa vào hoạt động Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng chưa giải quyết được trực tiếp vấn đề thiếu vốn của hệ thống ngân hàng.

Trước đó, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch cũng cho rằng, mức nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam phải là 15%, mức cao nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á được Fitch theo dõi.

Hiện Moody’s đang đánh giá tín nhiệm đối với 9 ngân hàng của Việt Nam, bao gồm 2 ngân hàng quốc doanh và 7 ngân hàng thương mại cổ phần.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần