Nợ xấu ngân hàng, những “mảng xám” lộ diện

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp diễn biến thiếu tích cực, nợ xấu không xử lý được là những nhân tố ẩn chứa rủi ro khi đánh giá tương lai ngành ngân hàng tháng cuối năm.

Chất lượng tài sản giảm, lo ngại nợ xấu phát sinh

Quan sát của SSI Research cho thấy, thời gian gần đây, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tái cơ cấu nợ cho hoạt động kinh doanh. Điều này có thể làm gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã yêu cầu hoãn thanh toán gốc và thanh toán lãi.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tổng số trái phiếu sau khi loại trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành hiện lưu hành khoảng 945.000 tỷ đồng; trong đó, 27% sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024, 12% sẽ đáo hạn vào năm 2025. Gần một phần ba số trái phiếu này nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Trên cơ sở này, ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới.

Sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III vừa qua, nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng khá nhanh. Thống kê số liệu báo cáo tài chính quý III/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/9, tổng nợ xấu nội bảng ở mức gần 129.800 tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 9 tăng mạnh tới 62,5% so với đầu năm, lên gần 72.400 tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng nợ xấu, so với tỷ trọng 44% hồi đầu năm.

Thời gian gần đây, hoạt động bán đấu giá tài sản đảm bảo, đấu giá khoản nợ để thu hồi vốn liên tục được các ngân hàng đẩy mạnh trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, ngoài bất động sản, máy móc, thiết bị, nhiều khoản nợ vay tiêu dùng, nợ không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản giá trị thấp cũng được các ngân hàng rao bán. Dù vậy, việc xử lý nợ xấu vẫn còn gặp khó. Không ít tài sản mang đấu giá có giá khởi điểm chỉ còn bằng nợ gốc, bỏ qua các phần tiền lãi, nhưng ngân hàng cũng không bán được.

Báo cáo tài chính quý III/2022 của nhiều ngân hàng cũng cho thấy, hoạt động thu hồi nợ xấu chậm lại rõ rệt. Đơn cử, tại MB, trong 9 tháng đầu năm nay, thu từ các khoản nợ đã xử lý chỉ đạt 1.244 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Thông cáo mới đây của ABBank cho biết một số chỉ tiêu kinh doanh đến cuối quý III chưa đạt như kỳ vọng do tác động mạnh từ thị trường. Lãnh đạo ABBank đánh giá, trong quý vừa qua, ngành ngân hàng chịu áp lực, lợi nhuận biên (NIM) có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào tăng, cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm nay.

Ảnh hưởng từ Covid-19 gây tổn thất nặng cho nhiều doanh nghiệp. Hơn nữa, năm nay nền kinh tế toàn cầu còn bị áp lực bởi lạm phát, rủi ro nợ xấu đã được dự báo từ trước. Tình hình xử lý nợ xấu của các ngân hàng càng trở nên nóng khi thị trường bất động sản đi xuống, thanh khoản sụt giảm đã tác động rõ rệt đến hoạt động xử lý nợ của các ngân hàng. Nhiều chủ đầu tư bất động sản đang gặp nhiều khó khăn với lượng hàng tồn kho tăng, doanh số bán hàng giảm và chịu áp lực đáng kể về dòng tiền ngắn hạn khi một số trái phiếu sắp đến ngày đáo hạn… Tất cả những vấn đề trên, các chuyên gia nhận định, tỷ lệ nợ xấu nhiều khả năng tiếp tục tăng trong giai đoạn quý IV/2022 và 2023.

Thị trường mua bán nợ chưa hấp dẫn

Hiện các ngân hàng vẫn đang nỗ lực thực hiện những biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng và tìm kiếm nhà đầu tư trong và ngoài nước để hồi sinh nợ xấu. Nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhiều ngân hàng đang rốt ráo rao bán nhiều khoản nợ có tài sản đảm bảo. Thậm chí, do khó khăn chung của nền kinh tế sau đại dịch, nên họ chấp nhận bán lỗ, giảm giá sâu các khoản nợ này. Nhiều cán bộ ngân hàng chia sẻ phải tìm những khoản nợ đẹp nhất trong khối nợ xấu, tức là những khoản nợ có tài sản đảm bảo tốt, để ưu tiên chào bán.

“Một nhà máy được xây dựng trên diện tích hơn 42 ha để sản xuất trứng gà sạch theo công nghệ khép kín, từ chăn nuôi tới xử lý và đóng gói, tuy nhiên đã trở thành nợ xấu, sau gần 4 năm vẫn chưa tìm được nhà đầu mới. Giảm giá 17 lần, hiện đang bán lần thứ 18. Để tìm đối tác mua rất khó vì là một ngành nghề đặc thù, sản xuất nông nghiệp. Thứ hai là Việt Nam mình chỉ có khoảng 4 - 5 nhà máy" - ông Đinh Bá Vũ - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, cho biết tại một hội thảo gần đây.

Ngoài lý do thị trường không thuận lợi, một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chậm là thị trường mua bán nợ vẫn chưa hình thành.

''Dù đã ra đời hơn 1 năm (15/10/2021), nhưng sàn giao dịch nợ VAMC hoạt động vẫn kém hiệu quả. Thị trường mua bán nợ về cơ bản vẫn còn khá sơ khai, có nhiều vấn đề cần giải quyết" - Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đánh giá.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thách thức với thị trường mua bán nợ tại Việt Nam là chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán nợ của những chủ thể không phải là VAMC, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) hay các tổ chức tín dụng chưa có nhà đầu tư tư nhân, nhất là nước ngoài. Bên cạnh đó, hiện chỉ cho phép 2 phương pháp mua bán nợ là đàm phán trực tiếp và đấu giá được phép thực hiện, trong khi chứng khoán, hình thức mua bán nợ phổ biến trên thế giới lại chưa được phép thực hiện; công ty tham gia mua nợ chuyên nghiệp còn ít về số lượng, hạn chế về năng lực tài chính một phần là do quy định của pháp luật còn hạn chế.

Do đó, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần bổ sung các chủ thể tham gia thị trường có các tổ chức, cá nhân, định chế tài chính phi ngân hàng, nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, mở rộng phương thức mua bán nợ cho phép chứng khoán hóa. Đặc biệt, theo ông Lực phải phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản, phát triển hạ tầng tài chính, đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, DN nhà nước.

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2025 và định hướng đến 2030 đã chỉ rõ mục tiêu đưa nợ xấu của toàn hệ thống tín dụng dưới 3% vào năm 2025, do đó Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, để đạt được mục tiêu này cần có quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên tham gia thị trường để tiến tới thúc đẩy thị trường mua bán nợ và mở rộng quan hệ hợp tác với thị trường mua bán nợ các nước trong khu vực và trên thế giới.