Nợ xấu ngóng đợi luật

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến 15/8/2022, Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội sẽ hết hiệu lực. Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD).

Nợ xấu cuối năm có thể lên tới 4,98% 

Nghị quyết 42 góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Trong tổng nợ xấu 425.400 tỷ đồng, số nợ xử lý theo Nghị quyết 42 lên tới 353.810 tỷ (chỉ riêng giai đoạn từ 15/8/2017 đến 30/4/2021). Đặc biệt, số nợ xấu được khách hàng tự nguyện trả nợ tăng mạnh với 130.100 tỷ đồng, chiếm 39,28%.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Điều này dẫn đến khả năng trả nợ của khách vay suy giảm. Theo đánh giá của NHNN, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Việc kiểm soát tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.

 NHNN kiến nghị cần có Luật xử lý nợ xấu (ảnh minh hoạ)

Đến thời điểm ngày 31/5 vừa qua, toàn hệ thống vẫn còn khoảng 425.400 tỷ đồng nợ xấu, chiếm hơn 42% tổng dư nợ xác định theo Nghị quyết số 42. Trên website của hầu hết ngân hàng đều thông báo bán nợ, bán tài sản đảm bảo. Không ít khoản nợ đã phát sinh từ cách đây cả chục năm, khiến nợ lãi gấp 2 - 3 lần nợ gốc.

Theo báo cáo tài chính mà các ngân hàng vừa công bố, số liệu nợ xấu cũng đã được thể hiện rõ qua các con số. Tính đến hết quý II/2021, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank ở mức 1,38%, tăng so với đầu năm nay. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 110%. Theo kế hoạch đến hết quý IV/2021, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này sẽ ở mức 1 - 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu mục tiêu là 180%. Tổng nợ xấu tính đến cuối quý II của Bac A Bank tăng nhẹ 2% so với đầu năm, lên mức hơn 641 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh 79%, dù chỉ chiếm hơn 41 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng nhiều vẫn là nợ có khả năng mất vốn với hơn 310 tỷ đồng nợ xấu. Kéo theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,79% lên 0,82%. PGBank có nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng 12,2% lên 703 tỷ đồng do nhóm nợ nghi ngờ tăng mạnh 58,6% so với cuối năm 2020….

Báo cáo tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Kinh tế ngày 10/6/2021, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nêu con số NHNN tính toán, nếu cộng tất cả các khoản nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu… thì con số này vào khoảng 3,43-3,84%, còn tính toán theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 thì đến cuối năm nay tổng số nợ xấu trong hệ thống vào khoảng 4,56-4,98%.

"Nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chưa được tháo gỡ thì sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế" - NHNN nhận định.

Nâng tầm Nghị quyết thành Luật

Nghị quyết 42 là Nghị quyết thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến ngày 15/8/2022 sẽ hết hiệu lực thi hành. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42. 

Hiện VAMC đang chuẩn bị đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ xấu, song nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, trước mắt, chưa thể kỳ vọng xử lý nợ xấu qua sàn giao dịch, khi hàng loạt vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý của khoản nợ, chứng khoán hóa nợ xấu… chưa được xử lý.

Trong khi đó, ngay cả Nghị quyết 42 theo Hiệp hội Ngân hàng cũng vẫn còn rất nhiều tồn tại do vướng các luật khác, vì không thể đứng trên luật.

"Dù Nghị quyết 42 có quy định được phép xử lý các vụ án tranh chấp bằng hình thức rút gọn, Hội đồng Toà án Nhân dân tối cao cũng đã ra Nghị quyết 03 hướng dẫn thủ tục rút gọn, nhưng từ đó tới giờ vẫn chưa có vụ án nào được xử lý theo hình thức rút gọn vì Nghị quyết không thể đứng trên luật. Đây là vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay" - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng nói.

Theo đó, ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất trong quá trình sửa đổi các luật liên quan như Luật Dân sự, Luật TCTD thì lồng ghép quy định xử lý nợ xấu vào 1 chương, 1 mục phù hợp để có cơ sở xử lý trách nhiệm với các khoản nợ có vấn đề về sau.

Luật về xử lý nợ xấu sẽ kế thừa các quy định của Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung các nội dung khác cho phù hợp với thực tiễn hoạt động xử lý nợ xấu, tiệm cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế..; khắc phục những khó khăn, bất cập khi thực hiện Nghị quyết 42, góp phần đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu của TCTD/VAMC.

Dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật xử lý nợ xấu nêu một số điểm sửa đổi, bổ sung là: sửa đổi chính sách về quyền thu giữ tài sản không cần phải thỏa thuận trong hợp đồng; sửa đổi chính sách về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm đã đăng ký giao dịch bảo đảm; sửa đổi chính sách về việc xác định thời hạn khoản nợ là nợ xấu; bổ sung quy định về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật của các vụ việc hành chính.

Cần nâng tầm Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thí điểm thành luật và áp dụng cho đến khi hệ thống tòa án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng. Các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. (Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần