Nợ xấu song hành cùng lợi nhuận
Thống kê mới nhất của NHNN, nợ xấu nội bảng tính đến hết tháng 6/2019 đã tăng nhẹ lên 1,91% từ mức 1,89% vào cuối năm 2018. Còn theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2019 trên sàn chứng khoán, tính đến ngày 30/6/2019, tổng nợ xấu của 17 ngân hàng ở mức gần 81,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tính đến cuối tháng 6 đã tăng 5,5% so với đầu năm, lên mức hơn 43,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% tổng nợ xấu, trong khi con số này hồi cuối năm 2018 ở mức 55,8%.
Tại Vietcombank, lũy kế từ đầu năm 2019 đến hết tháng 6/2019, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, tổng nợ xấu của Vietcombank là 7.134 tỷ đồng, tăng 911 tỷ đồng (14,64%) so với thời điểm 31/12/2018 do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gần 6 lần, từ 291,8 tỷ đồng lên 1.670 tỷ đồng trong khi nợ nhóm 4 và 5 có xu hướng giảm.Hay như SHB, nợ xấu đã tăng từ gần 5.198 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2018 lên hơn 6.910 tỷ đồng khi kết thúc tháng 6/2019. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm gần 72% tổng nợ xấu. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 700 tỷ đồng lên 1.136 tỷ đồng.Tại TPBank, nợ nhóm 3 tăng 64% lên 485 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng gần gấp đôi lên 468 tỷ đồng, còn nợ nhóm 5 tăng 19% lên 383 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của TPBank tăng từ 1,12% lên 1,5%. Thông tin từ Techcombank cho biết, tổng nợ xấu của ngân hàng tính đến ngày 30/6 ghi nhận 3.300 tỷ đồng, chiếm 1,22% trên dư nợ cho vay khách hàng, trong khi cuối năm 2018 chỉ có hơn 2.800 tỷ đồng nợ xấu ứng với tỷ lệ 1,06% dư nợ khách hàng. Trong đó nợ dưới chuẩn tăng gần gấp 3 lần với 673 tỷ đồng còn nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 33,5% lên 2.274 tỷ đồng. Tại OCB, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,29% lên mức 2,55%...Theo các chuyên gia, các khoản nợ xấu mới đang gia tăng, chủ yếu đến từ việc các ngân hàng ngày càng đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ, mở rộng cho vay cá nhân, tài chính tiêu dùng. Đây vốn là mảng mang về lãi biên cao hơn nhưng lại tiềm ẩn rủi ro cao hơn rất nhiều so với mảng tín dụng truyền thống. Đáng chú ý, nợ xấu của nhiều ngân hàng lại có dấu hiệu tăng lên do các khoản nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quay về. 6 tháng đầu năm 2019 là thời hạn 5 năm mà những đợt trái phiếu đầu tiên do VAMC đáo hạn nên nhiều ngân hàng bắt đầu mua lại những khoản nợ này và đưa lại vào bảng cân đối của mình.Đẩy mạnh thu hồi nợ, tập trung trích lập dự phòngDiễn biến trên đòi hỏi các ngân hàng cần tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý nhằm giảm thiểu nợ xấu. Theo đại diện Ngân hàng Thương mại CP Đông Á, trong nửa đầu năm 2019, công tác thu hồi nợ có vấn đề cả gốc và lãi đạt 1.870 tỷ đồng. Lũy kế từ tháng 8/2015 đến tháng 6/2019, ngân hàng đã thu hồi được 16.350 tỷ đồng nợ xấu.VP Bank rao bán hàng loạt xe sang, căn hộ cao cấp là tài sản thế chấp của các khách hàng nhằm thu hồi nợ, như bán ô tô Audi A6 giá khởi điểm 1,15 tỷ đồng cùng nhiều xe con, xe tải, xe khách các loại. Hàng loạt căn hộ cao cấp giá từ 2,3 - 4,8 tỷ đồng cũng được ngân hàng này đem bán thanh lý để thu hồi nợ… Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng tích cực bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, nhằm kéo giảm tỷ lệ nợ xấu. Tuy vậy, xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm chiếm tỷ lệ thấp do quá trình xử lý tài sản bảo đảm vẫn còn nhiều vướng mắc về hồ sơ, yếu tố pháp lý. Đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn về thu giữ tài sản đảm bảo, bởi hầu hết vụ việc ngân hàng khởi kiện theo thủ tục rút gọn là rất khó khăn. “Chúng tôi chủ yếu mới thu giữ được đất trống, nhà hoang, chứ với nhà dân đang có người ở là rất khó khăn” - vị này nói. Để giảm thiểu rủi ro, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng chủ yếu vẫn đến từ sử dụng dự phòng rủi ro. Nhiều ngân hàng trích lập dự phòng trên 50% lợi nhuận thuần. Như BIDV và VietinBank trích lập dự phòng lần lượt là 10.710 tỷ đồng và 7.477 tỷ đồng, lần lượt chiếm 69% và 58% số lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Tại VPBank, SCB và PGBank, tỷ lệ chi phí dự phòng/lợi nhuận thuần lần lượt là gần 60%, 62%, 65%. “Tại Vietcombank quỹ trích lập dự phòng rủi ro của chúng tôi được tính toán theo cơ chế cứ 100 đồng nợ xấu đã có 165 đồng dự phòng. Đây là hướng trích lập dự phòng rủi ro an toàn, hiệu quả và theo thông lệ quốc tế” – Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.Dự phòng rủi ro nợ xấu tăng mạnh, câu chuyện ở nhiều ngân hàng có thể sẽ còn tiếp diễn trong quý III và IV/2019. Việc trích lập dự phòng rủi ro, hay cụ thể hơn là tình hình xử lý nợ xấu và kiểm soát chất lượng tín dụng chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới kết quả lợi nhuận của ngân hàng năm 2019.
Đến 30/6/2019, dư nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn Hà Nội là 174 tỷ đồng, đã xử lý được 140,9 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó khách hàng trả nợ 21,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 15,25%); Sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý 86,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 61,39%); Xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ 32,9 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 23,35%). |