Nợ xấu Trung Quốc: Cần nỗ lực và thận trọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗ lực phục hồi nền kinh tế quá nóng vội kết hợp với hệ thống tín dụng thiếu hiệu quả, chính quyền Trung Quốc đã vô tình đẩy các ngân hàng vào núi nợ xấu kỷ lục.

Các khoản nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng Trung Quốc quý I/2015 đã chiếm 1,39% tổng dư nợ, mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Tỷ lệ này không phải quá cao so với các quốc gia khác tuy nhiên 158 tỷ USD nợ xấu lại không phải là con số nhỏ. Đó là chưa kể tỷ lệ nợ xấu trên thực tế còn cao hơn bởi các tổ chức cho vay đã “dọn sạch” các khoản nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán. Cụ thể, 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã xóa sổ tổng cộng 20 tỷ USD trong năm 2014, gấp đôi so với năm trước.
Ngân hàng T.Ư Trung Quốc đang đối mặt với bài toán khó trong điều hành chính sách vì nợ xấu.
Ngân hàng T.Ư Trung Quốc đang đối mặt với bài toán khó trong điều hành chính sách vì nợ xấu.
Gói kích cầu 4.000 tỷ NDT được chính phủ tung ra năm 2009 đã tạo nên cơn sốt tín dụng đối với chính quyền địa phương và các công ty kinh doanh bất động sản. Một năm sau, khi cơn sốt này kết thúc, tỷ lệ vỡ nợ bắt đầu leo thang với hai vấn đề lớn: nợ doanh nghiệp và nợ chính quyền.
Bất động sản - lĩnh vực kinh doanh trụ cột trong nhiều năm qua của nền kinh tế Trung Quốc lao dốc khiến nhiều DN mất khả năng thanh toán và vỡ nợ. Đánh giá về năng lực tài chính của các DN Trung Quốc, một giáo sư HongKong (Trung Quốc) khẳng định, các DN chỉ trông chờ vào 2 nguồn để trả nợ: tiền bán đất (tức phải tiếp tục bán đất) và tiền thu phí từ nhà máy, cảng, đường sá. Bối cảnh thị trường địa ốc Trung Quốc ảm đạm và khả năng sinh lợi các công trình hạ tầng không kém phần tệ hại đã giảm giá trị những nguồn trả nợ này. Ngoài nguyên nhân kinh tế hạ nhiệt, thị trường bất động sản xuống dốc, còn có một lý do khác: gánh nặng nợ xấu đến từ các khoản nợ khổng lồ của các chính quyền địa phương, tương đương 40% GDP Trung Quốc tính đến nay.
Rút kinh nghiệm từ những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng hấp tấp kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, chính quyền Trung Quốc dường như đã học cách thận trọng hơn khi thực hiện bước đi ổn định hệ thống tài chính gần đây.
Tháng 3 năm nay, nhằm minh bạch hóa vấn đề nợ địa phương, chính quyền đã khởi động chương trình hoán đổi nợ và trái phiếu tại các chính quyền địa phương; cho phép các ngân hàng thương mại sử dụng trái phiếu chính phủ địa phương làm tài sản thế chấp để vay vốn từ NH T.Ư - một động thái tương tự như những gì đã được thực hiện bởi NH T.Ư châu Âu trong vài năm qua. Bước đi này kỳ vọng đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nợ mà không tác động tiêu cực tới giải pháp thắt chặt tín dụng.
Đối mặt với nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong 2 thập kỷ, Trung Quốc đã liên tiếp hạ lãi suất 3 lần chỉ trong 6 tháng từ cuối năm 2014. Tuy nhiên Đại diện PBoC cũng tỏ ra khá thận trọng những bước đi tiếp theo để không rơi vào tình trạng “kích thích dư thừa” với nền kinh tế. Những nỗ lực bơm tiền vào nền kinh tế này vẫn bị cản trở bởi các ngân hàng đã cẩn trọng hơn do núi nợ xấu quá lớn. Ngoài ra, các chuyên gia nhận định điều quan trọng hơn là phân bổ nguồn vốn này một cách hiệu quả đến những phân khúc cần thiết thay vì lĩnh vực đã dư thừa công suất như thị trường địa ốc.
Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bất cứ dấu hiệu tiêu cực nào với các DN nói riêng và hệ thống tài chính nói chung sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các quốc gia khác. Điều cần thiết chính quyền Trung Quốc phải làm bên cạnh các chính sách nới lỏng định lượng là hướng tới tái cấu trúc, cải cách hệ thống tín dụng để ngăn ngừa những rủi ro hệ thống. Xa hơn nữa Trung Quốc cần hướng tới cân bằng cấu trúc tăng trưởng, giảm phụ thuộc vào bất động sản và công nghiệp, đẩy mạnh khu vực dịch vụ và tiêu dùng.