Nợ xấu và lương tối thiểu làm "nóng" hội trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng nay (31/10), các đại biểu Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch năm 2013.

Nợ xấu và lương tối thiểu làm "nóng" hội trường - Ảnh 1
 
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (TP Hà Nội) tại phiên họp.
 
Cả ngày hôm qua, 30/10, Quốc hội đã có phiên làm việc về nội dung này với 48 đại biểu Quốc hội của 45 tỉnh, thành phố phát biểu.
 
Thông điệp mới về điều chỉnh lương tối thiểu
 
Phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trước Quốc hội sáng nay mang lại thông điệp mới về điều chỉnh lương tối thiểu, sau khi Chính phủ nhiều lần xin lùi lộ trình vì không bố trí đủ 60.000 tỷ đồng cho năm 2013.
 
 
Nợ xấu và lương tối thiểu làm "nóng" hội trường - Ảnh 2
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu.
 
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết sau khi tính toán lại cân đối ngân sách, chủ động cắt giảm các khoản chi, trong đó có chi đầu tư, Chính phủ quyết định vẫn giữ lộ trình tăng lương trong năm 2013. Tuy nhiên mức tăng sẽ thấp hơn so với dự kiến trước đó.
 
Cụ thể, lương tối thiểu của khoảng 8,3 triệu người lao động, người hưởng lương hưu, các đối tượng chính sách… sẽ được điều chỉnh tăng thêm khoảng 100.000 đồng so với mức 1,05 triệu đồng hiện nay. Thời điểm áp dụng kể từ 1/7/2013.

Như vậy, theo tính toán của Bộ Tài chính, để có nguồn thực hiện tăng lương trong 6 tháng cuối năm 2013, ngân sách sẽ cần thêm 20.700 tỷ đồng, trong đó trung ương cần 18.400 tỷ đồng, địa phương cần 3.300 tỷ đồng. “Do các khoản dự toán thu đã ở mức rất cao nên Chính phủ sẽ phải cơ cấu lại chi”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết.

Cụ thể, chi đầu tư công sẽ giảm 10.000 tỷ đồng, xuống còn khoảng 170.000 tỷ, nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn bội chi ngân sách. Chính phủ cũng dự kiến đề nghị phát hành 55.000 - 60.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm 2013, nhưng vẫn đảm bảo đúng kế hoạch phát hành cho cả giai đoạn 2012 - 2015. Ngoài ra, ngân sách trung ương cũng sẽ phải tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn.
 
Nợ xấu và lương tối thiểu làm "nóng" hội trường - Ảnh 3
 
Các đại biểu quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường sáng 31/10.

“Đây là phương án tích cực và khả quan nhất mà ngân sách có thể cân đối được. Chính phủ hiểu rằng việc điều chỉnh này là mong muốn của tất cả các đối tượng hưởng lương, trong đó có cả cá nhân tôi”, người đứng đầu ngành tài chính chia sẻ.

Theo đúng lộ trình đã duyệt, lương tối thiểu của công chức và lao động trong các doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng lên 1,3 triệu đồng từ 1/5/2013. Bộ Tài chính tính toán, để thực hiện điều này, Chính phủ sẽ phải bố trí nguồn thêm khoảng 60.000 - 65.000 tỷ đồng. “Việc này vượt quá khả năng cân đối của ngân sách”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết.

Trong phần phát biểu tại Quốc hội chiều 30/10, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận để tạo nguồn tăng lương, Chính phủ nhiều khả năng sẽ phải cắt giảm đầu tư công trong năm 2013.

Chính phủ lần đầu tiên trình bày khả năng lùi tăng lương là vào phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 16/10 và chính thức đưa vào báo cáo tại đầu kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII (khai mạc 22/10).
 
Nhiều biện pháp chống vàng hóa và USD hóa
 
Trong phiên họp Quốc hội khóa XIII về tình hình kinh tế xã hội sáng 31/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã có bài phát biểu liên quan đến nợ xấu, chống vàng hóa và USD hóa.

 
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định, để xử lý nợ xấu thì vấn đề giải quyết hàng tồn kho có ý nghĩa rất quan trọng. Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo các bộ ngành để cùng phối hợp giải quyết hàng tồn kho, đặc biệt là tồn kho trong bất động sản để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp.

Dưới góc độ đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nếu sản xuất chiếm 50% GDP, mà hàng hóa tồn kho chiếm khoảng 20% như một số báo cáo thì số hàng tồn kho sẽ tương đương tỷ lệ 4%.

"Nếu xử lý được số hàng tồn kho này thì nợ xấu đã xong được 4%. Còn nếu giải quyết được 93% nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản (khoảng 90.000 tỷ đồng) thì sẽ giải quyết thêm được 2%. Do đó, tháo gỡ 2 vấn đề trên sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu giảm được 6% nếu theo đúng báo cáo của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là 8%", Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích.
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị các ngân hàng phải tự xử lý nợ xấu thay vì trông chờ quá nhiều vào các nguồn lực khác. Đại diện Ngân hàng Nhà nước từng thừa nhận việc các nhà băng tìm cách "né" việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Do đó, để giải quyết việc này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: "Kiên quyết đến cuối năm, ngân hàng nào không trích lập dự phòng rủi ro đủ, thì không được chia cổ tức. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp thanh tra cần thiết để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng trước tiên phải phục vụ cho xử lý vấn đề nợ xấu".

Theo thống đốc Nguyễn Văn Bình, thời gian qua NHNN đã có nhiều biện pháp nhằm chống lại vàng hóa và USD hóa.

Cụ thể, NHNN đã mua vào 10 tỷ USD từ đầu năm tới nay, cùng với 60 tấn vàng mua từ người dân, tương đương 3 tỷ USD. Như vậy, đã có tổng cộng 13 tỷ USD được chuyển sang VNĐ để hỗ trợ nền kinh tế.
 
Nợ xấu và lương tối thiểu làm "nóng" hội trường - Ảnh 4
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên họp ngày 31/10

Nhờ có nguồn tiền này mà chúng ta đã giảm được lãi suất, chống vàng hóa, USD hóa, đảm bảo nền kinh tế ổn định thời gian qua.

Về vấn đề độc quyền vàng miếng, theo Thống đốc, kể từ ngày 25/5, các đơn vị dập vàng miếng phải chấm dứt hoạt động, chỉ có NHNN thực hiện độc quyền dập vàng miếng và chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia vì loại vàng này chiếm tới 93% thị phần vàng miếng toàn quốc.

Theo nghị định 24, các loại vàng miếng trước đây đã cấp phép thì tiếp tục được lưu thông bình thường và không bắt buộc chuyển sang vàng SJC.

Tuy nhiên trong thời gian qua, dư luận còn chưa hiểu hết vấn đề nên dẫn đến tâm lý đổ xô chuyển đổi sang vàng SJC. NHNN thời gian tới sẽ phổ biến rộng rãi hơn để người dân yên tâm.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu chuyển sang vàng SJC, NHNN cũng đã tiến hành kiểm tra, kiểm định theo lô lớn và tiến hành ứng trước vàng SJC cho các bên có nhu cầu, sau đó các đơn vị sẽ chuyển đổi sau.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhìn chung, vấn đề quản lý vàng miếng là phù hợp chương trình chống vàng hóa của Chính phủ. Còn các vấn đề phát sinh, NHNN sẽ phối hợp các cơ quan giải quyết trong thời gian sớm nhất.