Nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã lần lượt công bố báo cáo tài chính của quý I/2016. Nhìn chung, tình hình lợi nhuận của các NH không có bứt phá mạnh nhưng vẫn được coi là khả quan.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn cũng tăng mạnh hơn.

Nợ có khả năng mất vốn tăng trở lại

Tuy nợ xấu được kéo về dưới 3% và tiếp tục được các NH kiểm soát dưới mức này trong những tháng đầu năm nay, song nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) vẫn chưa giảm, ngược lại có dấu hiệu tăng nhẹ tại một số NH lớn. Báo cáo tài chính của Vietcombank cho thấy, nợ xấu của NH đến cuối tháng 3/2016 được kiểm soát ở mức thấp, chiếm tỷ lệ 1,84% tổng dư nợ. Song, trong số gần 7.600 tỷ đồng nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn vẫn chiếm chủ yếu, với 5.885 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV tại thời điểm kết thúc quý I/2016 tăng lên mức 10.806 tỷ đồng (1,8%) so với mức 9.609 tỷ đồng (1,67%) tại thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng gần 900 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 460 tỷ đồng.
Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Theo số liệu của NH Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 3, tăng trưởng tín dụng của hệ thống đạt mức tăng 1,5%. Mức tăng này được coi là tích cực khi trước đó, cuối tháng 2, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 0,8%. Tuy nhiên, không ít nhà phân tích tài chính nhận định, tín dụng quý I/2016 tăng cao nhưng chưa chắc lợi nhuận của các NH đã tăng đột biến do áp lực phải giải quyết dứt điểm nợ xấu.

Quý I/2016, tăng trưởng tín dụng bình quân của 9 NH: BIDV, VietinBank, Vietcombank, SHB, MB, Sacombank, ACB, VIB, Techcombank đạt 4,1% so với cuối năm 2015. 9 NH đang có dư nợ cho vay khách hàng tại ngày 31/3/2016 lên đến 2,35 triệu tỷ đồng, tuy nhiên, nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn đến hết quý I/2016 tăng lần lượt 11,7% và 8,3% so với cuối năm 2015.

Phải cải thiện chất lượng tín dụng

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, trên thế giới, cơ cấu nợ sẽ giống hình phễu và nợ nhóm 5 sẽ ở đáy phễu, tức là nhóm có tỷ trọng thấp nhất. Chỉ cần là nợ nhóm 3 thôi, ở các nước đã phải xử lý bán tài sản. Đến nhóm 4, họ tìm mọi cách thanh lý. Và tới nhóm 5 thì họ sẽ tìm mọi biện pháp để giải quyết. Nhưng ở Việt Nam, túi nợ nhóm 5 phình to nhất do vấn đề pháp lý không chuẩn mực, không thi hành được án nên nợ xấu dồn lại từ năm này qua năm khác. Như vậy, nếu càng nôn nóng giải quyết nợ xấu mà cách thức xử lý không hiệu quả sẽ càng khiến nợ tồn lại và đẩy xuống nhóm 5.

Để đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được phép mua lại nợ xấu theo giá thị trường bằng phát hành trái phiếu trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ xấu. Theo TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, quy định mới sẽ giúp khơi thông việc xử lý nợ xấu, nhưng chỉ giải quyết được một trong 3 nguyên tắc của xử lý nợ xấu là bán theo thị trường, mua đứt bán đoạn và “tiền tươi thóc thật”. Do đó, chỉ với quy định này thì khó có thể kỳ vọng nợ xấu được giải quyết triệt để.

Năm nay, các NH đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đi kèm với tăng trưởng tín dụng phải cải thiện chất lượng tín dụng. Có lẽ NHNN nhận thấy đã đến lúc cần thực thi chính sách tín dụng thận trọng, quản lý chặt chẽ hạn chế dòng tiền chảy vào lĩnh vực bất động sản, nắn tín dụng chảy vào sản xuất, kinh doanh do lo ngại nợ xấu gia tăng. Chừng nào nợ xấu chưa được xử lý triệt để, cơ hội để giảm lãi suất là không nhiều và mức độ giảm, có chăng sẽ không thể lớn như mong đợi.
NH Thế giới khuyến nghị Việt Nam cần “ưu tiên giải quyết nợ xấu tồn đọng và tăng vốn một cách vững chắc”. Giải quyết nợ xấu sẽ bao gồm bán trực tiếp các tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu và chuyển giao nợ xấu và tài sản thế chấp cho VAMC, đi kèm với việc ban hành khuôn khổ pháp lý tốt hơn cho VAMC. Ngoài ra, tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với NH trong nước cũng được xem là giải pháp xử lý nợ xấu cần được cân nhắc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần