Nỗi ám ảnh chấn thương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kình ngư Võ Thái Nguyên đã phải kết thúc sớm chuyến tập huấn ở Mỹ lẽ ra kéo dài đến ngày 31/6/2012 để trở về Việt Nam do gặp chấn thương lệch đĩa đệm.

Như vậy, đội hình tập luyện ở bang Florida (Mỹ) của bơi lội Việt Nam chỉ còn 4 VĐV là Quý Phước, Thành Nguyện, Kim Tuyến, Ánh Viên.

Việc tay bơi nữ nhiều triển vọng này bị chấn thương khi đang tập huấn nước ngoài nhưng ngay lập tức về nước mà không được ở lại Mỹ chạy chữa lần nữa cho thấy việc chăm sóc sức khỏe, thể lực và tinh thần cho các tuyển thủ khi làm nhiêm vụ quốc gia vẫn là chuyện chưa được quan tâm đúng mức. May mắn hơn Võ Thái Nguyên, trong một đợt tập huấn ở Nhật Bản, Nguyễn Hoàng Ngân bất ngờ tái phát chấn thương rách dây chằng chéo đã phẫu thuật trước đó, lại đã được tiếp tục chữa trị và tập luyện hồi phục chấn thương tại Nhật Bản.

Từ trước đến nay việc các VĐV thể thao bị chấn thương không phải là chuyện hiếm. Thế nhưng, thực tế trong làng thể thao Việt Nam, nhiều VĐV bị dính chấn thương trong quá trình thi đấu hay tập luyện đã không được điều trị kịp thời hoặc đến nơi đến chốn cho khỏi dứt điểm mà phải mang theo những vết thương dai dẳng. Những VĐV có điều kiện kinh tế thì tự bỏ tiền ra để chữa trị để có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp, còn nếu chấn thương nặng quá thì không ít VĐV dính chấn thương đành phải bỏ nghề chỉ vì không có đủ tiền để chữa trị. Có thể liệt kê ra các trường hợp như thủ môn đội tuyển bóng đá nữ Kim Hồng, tiền đạo Minh Nguyệt, võ sĩ taekwondo Nguyễn Trọng Cường, karatedo Vũ Thị Nguyệt Ánh, đô vật Lê Thị Huệ… đã phải chịu những thiệt thòi sau khi bị chấn thương trong quá trình thi đấu hay tập luyện. Thủ môn Kim Hồng, tiền đạo Minh Nguyệt, võ sĩ  Nguyễn Trọng Cường may mắn được phẫu thuật, nữ võ sĩ karatedo Vũ Thị Nguyệt Ánh dù có lúc bị "bơ vơ"  nhưng cuối cùng đã được sự quan tâm, đóng góp của các nhà hảo tâm để có tiền điều trị. Còn nữ đô vật Lê Thị Huệ, thì không có may mắn như vậy. Bị chấn thương trong một buổi tập chuẩn bị cho SEA Games 22, Lê Thị Huệ phải giã từ sới vật và phải gắn mình với chiếc xe lăn và đôi nạng. 8 năm trôi qua, khi chấn thương đã trở thành tàn phế, những hứa hẹn về việc được hỗ trợ và đưa đi điều trị của những người có trách nhiệm năm xưa vẫn chưa thấy đâu. Theo nhiều chuyên gia y tế, nếu được chữa trị kịp thời có thể nữ đô vật này không phải chịu số phận đen đủi và khó khăn trong cuộc sống như hiện nay.

Cũng thấy một thực tế là kinh phí điều trị thương lớn mà ngân quỹ dành cho việc chữa trị chấn thương cho các VĐV còn khá eo hẹp. Dù đã có chế độ bảo hiểm y tế ở một vài bộ môn, nhưng với VĐV bị chấn thương nặng thì chỉ riêng tiền chạy chữa trong nước đã không đủ. Nhưng vấn đề đáng nghĩ là sự quan tâm tức thời để chấn thương không trở thành nỗi ám ảnh đối với các VĐV có hoàn cảnh khó khăn, bị chấn thương trong tập luyện và thi đấu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần