Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1945

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày nay, ai đi qua phố Đông Kim Ngưu - Minh Khai sẽ dễ có cảm nhận đây là một khu...

Kinhtedothi - Ngày nay, ai đi qua phố Đông Kim Ngưu - Minh Khai sẽ dễ có cảm nhận đây là một khu dân cư lâu đời, bình yên đang trên bước đường phát triển. Song vẫn ít người biết rằng, đằng sau những toà nhà to đẹp ấy, thậm chí ngay ở sâu dưới lòng đất ấy, vốn là cả một vùng đã từng đón nhận âm hồn của hàng vạn đồng bào đã bị chết vì giặc Pháp oanh tạc và “nạn đói năm 45”.

Nằm sâu trong ngõ 559 phố Đông Kim Ngưu thuộc phường Vĩnh Tuy, Nghĩa trang Hợp Thiện chính là nơi mà ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, hàng vạn hài cốt của đồng bào bị chết do giặc oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945 đã được nhân dân Thủ đô quy tập, đưa về chôn tập trung thành một khu mộ tập thể.

 
Phó bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến trao đổi với lãnh đạo quận Hai Bà Trưng tại Nghĩa trang Hợp Thiện.
Phó bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến trao đổi với lãnh đạo quận Hai Bà Trưng tại Nghĩa trang Hợp Thiện.
Nhân chứng Nguyễn Văn Tuất (trú tại số 275 phố Minh Khai) kể lại:  Vào những năm 1944-1945, người chết đói rất nhiều, từng đoàn xe bò kéo liên tục chuyên chở xã người chết đưa về đây, chôn thành những ngôi mộ tập thể trên dải đất bên ngoài bức tường phía Tây của Nghĩa trang Hợp Thiện (khoảng 50 ngôi mộ, mỗi ngôi có chiều dài 2-3 m). Lúc đó còn chưa có nhánh sông Kim Ngưu bây giờ, sau khi Nhà nước ta cho đào sông Kim Ngưu thì vị trí những ngôi mộ này nằm ở dải đất thuộc bờ Tây sông Kim Ngưu hiện nay.

Bác Ưng Văn Phi trước cũng làm trong Nghĩa trang Hợp Thiện, hiện ở số nhà 8 ngõ 674 phố Minh Khai cho biết: Trong nghĩa trang này, ngoài 2 ngôi mộ được xây thành hầm mộ, còn 3 ngôi mộ khác, vì hài cốt được đựng trong các hòm tiểu, nên cho xếp chồng lên nhau rồi đắp thành núi trên mặt đất. Cho đến năm 1960-1961, Nhà nước có kế hoạch di dời nghĩa trang đi nơi khác thì 3 ngôi mộ lộ thiên được di chuyển, riêng 2 hầm mộ ở khu vực tổ 50 và tổ 69 vẫn được giữ nguyên, tức là khu tưởng niệm hiện nay.

Trong xu thế đi lên và phát triển không ngừng của Hà Nội, quận Hai Bà Trưng vốn từ một vùng đất nghèo, là một trong 4 quận nội thành cũ, điều kiện còn nhiều khó khăn, đã có nhiều nỗ lực phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt từ những năm đầu của thế kỷ 21. Cùng với đó, các vấn đề xã hội cũng luôn được Đảng, chính quyền từ quận đến các phường chăm lo, giải quyết kịp thời, tạo sự ổn định cả về đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

Bà Đinh Thị Lan Duyên - Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng chia sẻ: Để thể hiện tấm lòng tri ân, tưởng nhớ những đồng bào bị nạn đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hợp Thiện, từ nhiều năm qua, Đảng b
, chính quyền và Nhân dân quận thường xuyên chăm lo tu bổ, xây sửa phần còn lại của Nghĩa trang thành nơi hương khói khang trang, thuận tiện. Đầu năm 2014, quận đã tiến hành giải phóng mặt bằng, di dời 3 nhà dân để mở một con đường bê tông rộng 4m từ phố Minh Khai vào Nghĩa trang, để thuận tiện cho việc thăm viếng của người dân. Ngay trước mùa vu lan báo hiếu năm 2014, Hội nghệ nhân-thợ giỏi TP Hà Nội đã ủng hộ, chỉnh trang, tu bổ nghĩa trang, tô điểm thêm những nét hoa văn cổ kính, tương xứng với một di tích cách mạng kháng chiến mà UBND TP đã có quyết định công nhận từ năm 2005.

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp Rằm tháng Bảy hằng năm, theo nếp truyền thống của mùa vu lan báo hiếu, các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền từ thành phố đến quận, các phường và đông đảo nhân dân thập phương lại về đây thắp hương tưởng niệm cùng nhiều lễ vật theo tập tục tâm linh, để cầu siêu cho các vong linh đang yên nghỉ nơi mảnh đất lịch sử ghi dấu nhiều sự kiện không thể phai mờ trong lòng mỗi người dân Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là dịp để lên án, tố cáo tội ác của những cuộc chiến tranh xâm lược, nêu cao truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam.
Khu tưởng niệm nạn đói năm 1945 - Nghĩa trang Hợp Thiện được xây dựng trên một vuông đất có diện tích 141m2, ở giữa là ngôi mộ, phần nắp mộ xây một bức tường, phía trên tạo mái, lợp ngói ống. Đường riềm được trang trí hình văn triện, trên đó đắp nổi hàng chữ “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1945”, cạnh đó là dòng chữ ghi năm xây dựng 1951. Xung quanh mộ tạo một lối đi, được lát gạch. Ngoài cùng là bức tường bảo vệ cao 1,5 m, mở một cửa ra vào ở bức tường phía Tây của di tích.