Người dân địa phương vô cùng bức xúc vì giải pháp cho vấn đề này vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Vị trí đường Võ Văn Kiệt tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) đang được nghiên cứu lắp đặt đèn tín hiệu hoặc xây dựng cầu đi bộ. |
Theo ông Nguyễn Tiến Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng, từ khi đường Võ Văn Kiệt (còn gọi là cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài) được xây dựng, xã Nam Hồng bị chia làm hai nửa. Người dân địa phương muốn di chuyển từ thôn Đoài qua thôn Đìa và ngược lại đều lựa chọn cách băng cắt qua đường Võ Văn Kiệt. Sau khi tuyến đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh hoàn thành, điểm giao cắt đã được lắp đặt rào chắn. Theo đó, người dân muốn di chuyển qua lại hai thôn phải đi “đường vòng” xa hơn khoảng 1,5km. Ông Dương cho biết, không ít vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra tại điểm giao cắt, cộng với việc đi lại khá bất tiện hiện nay khiến nhiều người dân rất bức xúc…
Ghi nhận tình trạng giao thông tại vị trí nêu trên cho thấy, nhiều người đi bộ vẫn bất chấp nguy hiểm, trèo qua lan can phân cách hai chiều trên đường Võ Văn Kiệt để sang phía bên kia đường. Tiếng còi xe vang lên đinh tai mỗi khi có người loay hoay cố vượt qua lan can. Người dân xã Nam Hồng điều khiển xe đạp, xe máy, ô tô… buộc phải di chuyển tới ngã tư cao tốc Nội Bài hoặc cầu vượt Nam Hồng, rồi quay đầu đi ngược lại để sang được thôn đối diện bên đường Võ Văn Kiệt. Điều này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn (nhất là vào buổi tối), mà còn khiến việc đi lại của người dân trên địa bàn thêm phần bất tiện.
Liên quan tới giải pháp cho bài toán giao thông nêu trên, ông Nguyễn Xuân Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, hiện địa phương đang lấy ý kiến người dân xung quanh hai phương án. Thứ nhất là lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, và thứ hai là xây dựng cầu đi bộ. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, cả hai phương án đều còn những yếu tố phải xem xét. Theo ông Linh, đối với phương án thứ nhất, đường Võ Văn Kiệt là tuyến cao tốc, lắp đặt đèn tín hiệu là phương án không ổn. Đó là chưa kể ý thức của người dân khi tham gia giao thông đôi khi còn rất tùy tiện. Đối với phương án thứ hai, theo ông Linh, nếu chỉ là cầu đi bộ sẽ không phát huy được hết công năng, bởi hiện nay, người đi bộ thực tế rất ít (chủ yếu là có sử dụng phương tiện xe đạp, xe máy). Cả hai phương án này đang được UBND huyện lấy ý kiến người dân, báo cáo Sở GTVT Hà Nội có phương án thiết kế, xây dựng. Ông Linh cũng cho hay, cách vị trí giao cắt chừng 600m, TP đã đầu tư xây dựng cầu vượt Nam Hồng với đầy đủ công năng. Trong thời gian chờ phê duyệt phương án xây dựng công trình tại nút giao nêu trên, chính quyền cũng đề nghị bà con “chịu khó” di chuyển xa hơn một chút để đảm bảo an toàn thay vì trèo qua lan can có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.