Giữa guồng quay cuộc sống
Một cô bé 12 tuổi đã thốt lên, lúc nào em cũng cảm thấy buồn vì luôn thiếu vắng tình cảm của cha mẹ do họ chỉ mải mê lo kiếm tiền. Hàng ngày, ngoài giờ đến lớp, em phải luôn thui thủi một mình ở nhà với một người giúp việc xa lạ... Em không thích giàu có mà chỉ muốn có một gia đình ấm áp tiếng cười nói của bố, mẹ sau mỗi buổi đi học về...
Ảnh mang tính minh họa.
Đúng là như vậy. Rất nhiều gia đình chỉ có vài người nhưng cả ngày cũng không đủ thời gian để cùng ăn với nhau một bữa cơm. Con cái đi học, cha mẹ đi làm, người về sớm, người về muộn, thành thử bữa cơm tụ họp cứ thưa thớt dần. Bên cạnh đó, không gian riêng ngày càng phá triển khiến mỗi người lại bận rộn hơn với những vấn đề cá nhân. Dần dà, tất cả điều này làm cho thời gian dành cho nhau ngày càng ít đi. Cùng với đó, sự giao lưu, trao đổi, sẻ chia giữa cha mẹ và con cái cũng nhạt nhòa dần. Đây là một thực tế đáng buồn đã và đang xảy ra trong nhiều gia đình hiện nay. Do thời gian dành cho gia đình ít, mối quan hệ giữa các thành viên càng trở nên lỏng lẻo, đến một lúc nào đó, họ không thể tìm được tiếng nói chung thì việc dẫn đến việc đỗ vỡ là điều khó tránh khỏi.
Đừng biện minh
Lý giải cho sự mải mê kiếm tiền, nhiều người cho rằng, họ muốn cho con cái một cuộc sống vật chất tốt đẹp hơn. Nhưng thực tế không hẳn vậy vì điều đó càng làm cho con cái họ trở nên lạc lõng, đơn độc. Theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH), phương pháp giáo dục của nhiều bậc cha mẹ hiện nay có vấn đề, mang nặng tính áp đặt, ít quan tâm đến suy nghĩ của trẻ. Không ít người mải kiếm tiền, giao phó việc chăm sóc con cái cho người giúp việc, vô tình làm khoảng cách tình cảm với con ngày càng xa mà không biết. Những cách giáo dục như vậy đều không đúng, dễ dẫn đến việc con cái bị các sang chấn về tâm lý, lâu dần gây ra những rối loạn về sức khỏe tâm thần. Điều này còn đe dọa đến tính bền vững của mỗi gia đình khi không có được sự ấm áp - nền tảng cần thiết để níu giữ, gắn kết. Có lẽ nên có những khóa trang bị kiến thức làm cha mẹ, có cả hệ thống cán bộ tư vấn tâm lý, tham vấn cộng đồng và cán bộ xã hội để hỗ trợ cho việc nuôi dạy, bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, những đứa trẻ non nớt không được sống trong tình yêu thương, không nhận được sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ sẽ khó trở thành những đứa trẻ ngoan. Trong cuộc sống hiện nay, cũng khó tránh được việc những ông bố bà mẹ cố gắng công sức để tạo dựng sự nghiệp, để cho con cái một cuộc sống vật chất dư thừa. Nhưng chính cuộc sống thực của những đứa con của mình họ lại quên mất. Như một người con đã tâm sự: Bố mẹ chỉ biết đi làm từ sáng đến tối, kiếm thật nhiều tiền. Sự im lặng lâu ngày biến em thành một con người khác. Ở trường em ít bạn. Rồi em đến với những người bạn học kém, mải chơi, bởi họ làm cho cuộc sống trầm lặng bấy lâu của em khuấy động. Em bắt đầu lao vào những cuộc ăn chơi, yêu đương bạt mạng mà bố mẹ cũng không hay biết. Có những lúc em thấy chán ghét, kinh bỉ những trò vui đang ngày ngày tham gia và thậm chí căm ghét ngay chính cả bản thân mình.