Trong thời gian 10 năm, không chỉ riêng tôi mà bạn bè của tôi đến từ Hàn Quốc đều có chung nhận xét: Giao thông Việt Nam thật nguy hiểm.
![]() Người dân tham gia giao thông tại ngã tư Chùa Bộc - Tây Sơn. Ảnh: Quỳnh Anh |
Nếu đi ra đường, ở bất kỳ ngã ba, ngã tư nào, bất kể giờ tan tầm hay trưa vắng, bạn sẽ không bao giờ biết được chiếc ô tô phía trước đang đi ở làn đường nào. Bạn đừng nghĩ là làn đường bên trong khi bạn thấy nó ở bên trong, ngay khi bạn chưa kịp suy nghĩ xong nó đã ở một làn đường khác. Bạn cũng đừng vội đếm xem tuyến đường bạn đang đi có mấy làn, vì số vạch sơn trên đường (nếu có) không bao giờ trùng với số làn xe đang lưu thông. Và đương nhiên bạn không thể đếm được có mấy làn xe đang lưu thông. Chuyện này là bất khả thi vì số lượng làn xe thay đổi liên tục, các phương tiện lưu thông trên đường luôn chạy đan xen nhau. Tôi đã rất nhiều lần cảm thấy xấu hổ với đối tác khi đưa họ đi tham quan. Bởi, khi dẫn họ ra đường chỉ cần nhìn dòng xe dừng trước đèn đỏ sẽ thấy ngay được tính vô kỷ luật của người tham gia giao thông. Tại nhiều nút giao thông, không khó để bắt gặp hình ảnh cứ năm xe ô tô, đỗ chờ đèn đỏ thì y như rằng chiếc thứ năm ngay lập tức lấn vào bên trong làn xe máy. Chiếc ô tô thứ năm đó có thể là xe taxi, có thể là chiếc Audi sang trọng, cũng có thể là chiếc xe chở rác, hay xe buýt sẵn sàng luồn lách vào mọi khe hở trên đường. Lại nữa, mỗi sáng khi đến những quán cà phê ở Hà Nội từ bình dân đến sang trọng, sẽ thấy ngay cảnh lộn xộn của giao thông thành phố. Ô tô đỗ thành hàng ngay dưới lòng đường. Và, những chiếc xe máy chạy xoèn xoẹt hết làn này đến làn kia. Những hình ảnh thường thấy là vượt đèn đỏ. Hoặc khi bạn nghe tiếng còi giục inh ỏi phía sau, không cần nhìn, bạn cũng biết sắp hết đèn đỏ. Ở Hàn Quốc và nhiều nước khác, bấm còi là biểu hiện của sự bực mình, để nhắc những người không tuân theo luật giao thông phải chú ý. Vì vậy, tôi không hiểu tại sao ở Việt Nam khi đi bình thường trên đường lại cứ phải nghe tiếng còi inh ỏi? Tôi cũng tự hỏi, vậy các anh CSGT ở đâu mà giao thông loạn thế? Xin thưa, tôi thấy người dân tham gia giao thông nếu có vi phạm cũng không sợ cảnh sát vì lực lượng này quá mỏng, đi vài ngã tư mới thấy bóng một anh đơn độc, lâu lâu mới thấy một anh có môtô. Thỉnh thoảng tôi nhìn các anh xông ra giữa đường để ngăn chặn một lái xe có dấu hiệu vi phạm, những người này sau khi quan sát thấy CSGT không có mô tô thì lách qua, chạy tiếp, bỏ lại anh CSGT tẽn tò trước cái nhìn ái ngại của người đi đường. Rõ ràng, vấn đề giao thông tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các đô thị lớn của Việt Nam đang gặp phải đó là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân đang rất thấp, dẫn đến UTGT liên tục xảy ra. Vì vậy, để có một đô thị văn minh, hiện đại an toàn, cả xã hội phải chung tay với các lực lượng thực thi công vụ, nhà quản lý tham gia xây dựng văn hóa giao thông. Đầu tiên là mỗi khi ra đường hãy tuân thủ quy tắc tham gia giao thông an toàn. Tiếp đến hãy vận động những người thân trong gia đình, đặc biệt trẻ nhỏ để có thể tạo ra một thế hệ tương lai chấp hành tuyệt đối của quy tắc tham gia giao thông an toàn.