Nội các dưới thời ông Trump: Mạnh đối nội, giảm đối ngoại

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các tướng lĩnh trong nội các mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đều cho thấy chủ trương tập trung vào vấn đề đối nội.

Tuần trước, ông Trump chỉ định 3 vị trí dẫn dắt lực lượng an ninh và thực thi pháp luật. Cả 3 sự lựa chọn này đều có sự thống nhất với chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống đắc cử. Cụ thể, ông Pompeo (đảm nhiệm vị trí Giám đốc Cơ quan tình báo T.Ư) có chung quan điểm với Tổng thống đắc cử Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông từng gọi đây này là thỏa thuận “tai hại” và tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận.

Thượng nghị sĩ Sessions (trái) được ông Trump chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp. 

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Sessions - người được chỉ định trở thành Bộ trưởng Bộ Tư pháp có đường lối cứng rắn với vấn đề di cư tương tự ông Trump. Ông Sessions không chấp nhận cấp quyền công dân cho bất kỳ người nhập cư trái phép nào, và ủng hộ nhiệt tình quyết định xây tường ngăn tại biên giới với Mexico.

Gần đây nhất, tờ New York Times dẫn thông tin từ các quan chức trong nhóm chuyển giao quyền lực cho biết, ông Trump dự kiến sẽ chọn tỷ phú Wilbur Ross làm Bộ trưởng Thương mại. Tỷ phú Ross mặc dù tuyên bố quan tâm tới việc thúc đẩy thương mại quốc tế nhưng đồng tình với chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử khi cho rằng Mỹ cần được giải phóng khỏi “xiềng xích” của "những hiệp định thương mại tệ hại".

Các lựa chọn này đều củng cố cho chính sách tranh cử từ trước đến nay ông Trump theo đuổi. Đó là ưu tiên giải quyết vấn đề đối nội, hạn chế nhập cư và củng cố vị thế bá chủ của kinh tế Mỹ, trước sự cạnh tranh từ các quốc gia khác trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Trong khi đó, vấn đề đối ngoại dưới thời ông Trump dường như sẽ được giảm bớt. Trái với thời ông Obama, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố về việc giảm bớt vai trò của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng tại Syria, cuộc chiến chống khủng bố hay biến đổi khí hậu... Vừa qua, Tổng thống đắc cử cũng chỉ định Thống đốc bang South Carolina - bà Nikki Haley làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc.

Động thái tiến cử bà Haley có ý nghĩa như “một mũi tên trúng 2 đích” của ông Trump. Đề cử nữ chính trị gia là con một gia đình nhập cư gốc Ấn, ông Trump muốn xoa dịu các chỉ trích đối với phát ngôn gây chia rẽ về người nhập cư, cũng như những cáo buộc kỳ thị giới của ông Trump trong quá trình tranh cử.

Bên cạnh đó, tờ Politico nhận định, bà Haley không phải mẫu chính trị gia cứng rắn và cũng chưa từng có kinh nghiệm ngoại giao, bởi vậy có thể bà sẽ hướng theo sự dẫn dắt của Tổng thống đắc cử trong đường lối ngoại giao. Ngoài ra, cần lưu ý rằng, Liên Hợp quốc từ trước đến nay gần như trở thành một “sàn đấu” giữa Washington và Moscow trong việc thể hiện tầm ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Lựa chọn một nữ chính trị gia chưa có nhiều kinh nghiệm ngoại giao, lãnh đạo mới của nước Mỹ dường như đã không đưa vấn đề đối ngoại vào danh sách nghị sự ưu tiên của mình. Đồng thời, điều này cũng dự báo Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ chuyển từ chính sách “đối đầu” sang các biện pháp mềm mỏng hơn trong quan hệ với Nga.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần