Nới cơ chế để hút nguồn lực xã hội hóa

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS.KTS Hoàng Hữu Phê - chuyên gia quy hoạch quản lý đô thị cho rằng, cần phải mở rộng cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư nhà ở cho công nhân.

 TS.KTS Hoàng Hữu Phê - chuyên gia quy hoạch quản lý đô thị 
Thời gian gần đây, nhà ở cho công nhân trên địa bàn Thủ đô đang rất khan hiếm. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
- Chính phủ đã đưa ra Chiến lược phát triển nhà ở, kèm theo đó là rất nhiều cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư như: Cấp đất, miễn - giảm thuế, tạo điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp... nhưng thực tế vẫn chưa tạo được sức hút. Nguyên nhân là quỹ đất của TP, đặc biệt là khu vực trung tâm chủ yếu dành cho các dự án nhà ở thương mại trung - cao cấp; còn quỹ đất cho NƠXH, nhà giá rẻ chủ yếu ở ngoại ô nên họ cũng không thực sự mặn mà. Trong khi đó, việc đầu tư các dự án NƠXH, nhà ở giá rẻ vẫn phải cần nguồn vốn lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lại kéo dài, có những dự án mất tới 20 - 30 năm để thu hồi vốn.
Các dự án NƠXH nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng vẫn đang chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Hiện, ngân sách Nhà nước cũng đang rất hạn hẹp nên thời gian qua các dự án nhà ở giá rẻ luôn trong tình trạng chậm triển khai, thi công mà nhu cầu của người dân lại tăng theo từng năm. Bên cạnh đó, đa phần các chủ DN chỉ chú trọng vào việc đầu tư nhà máy, dây chuyền sản xuất để tạo ra lợi nhuận mà ít quan tâm hoặc né tránh đến vấn đề nơi ăn chốn ở cho người lao động.
Thực tế, nếu tính về số lượng thì thiếu, nhưng vì sao một số dự án sau khi xây dựng xong lại không có công nhân ở, thưa ông?
- Như đã nói ở trên, phần lớn các dự án nhà ở giá rẻ cho công nhân và người thu nhập thấp tập trung ở khu vực ngoại thành, vùng ven, là những khu dân cư mới chưa được đồng bộ về hạ tầng cũng như các sản phẩm dịch vụ. Ngoài ra, cách thiết kế công năng sử dụng của những căn hộ dành cho công nhân cũng chưa thực sự phù hợp với nhu cầu để ở, sinh hoạt. Do đó một nghịch lý là sản phẩm thì thiếu nhưng một số dự án sau khi xây dựng xong không có người ở.
Theo ông, phương án khả thi để khắc phục những tồn tại hiện nay là gì?
- Trước hết, Nhà nước cần phải có sự điều chỉnh về Luật khi cấp chứng nhận đầu tư. Trên cơ sở xem xét, đánh giá về quy mô dự án, vốn đầu tư thì phải có điều khoản cam kết của chủ đầu tư về việc xây dựng nhà ở cho công nhân khi đến làm việc.
Thứ hai, Nhà nước nên nới rộng cơ chế để thu hút các nguồn lực xã hội hóa, đầu tư tư nhân vào lĩnh vực xây dựng NƠXH, nhà ở giá rẻ; hạn chế cấp đất cho các dự án chỉ chú tâm vào các sản phẩm cao cấp để thu lợi nhuận nhanh.
Thứ ba, tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối các khu vực ngoại thành với trung tâm, để việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn và đặc biệt, cần có chính sách cho vay mua nhà ưu đãi thì người công nhân mới có cơ hội.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần