“Nối dài” khát vọng bảo vệ môi trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một chiếc bè rông lớn với mái lợp bằng những vỏ lon bia, một không gian sống chật hẹp vẻn vẹn 8m2 của những người công nhân trong các khu công nghiệp… Cùng những sắp đặt này, những bức ảnh, thước phim, bài báo về đề tài môi trường… trong triển lãm “Hành trình Việt Nam xanh” đang diễn ra tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đem đến cho công chúng nhiều cảm xúc.

Kinhtedothi - Một chiếc bè rông lớn với mái lợp bằng những vỏ lon bia, một không gian sống chật hẹp vẻn vẹn 8m2 của những người công nhân trong các khu công nghiệp… Cùng những sắp đặt này, những bức ảnh, thước phim, bài báo về đề tài môi trường… trong triển lãm “Hành trình Việt Nam xanh” đang diễn ra tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đem đến cho công chúng nhiều cảm xúc. 

 
“Nối dài” khát vọng bảo vệ môi trường - Ảnh 1
3 năm về trước, khi dự án hành trình Việt Nam xanh được khởi xướng, đã có rất nhiều các nhà báo, các nghệ sỹ nhiếp ảnh, các tình nguyện viên “tìm đến” để chung tay với mong muốn được chung sức cho công cuộc bảo vệ môi trường của đất nước. Nhớ lại thuở ban đầu này, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng vẫn còn ghi dấu: “Chúng tôi đã ngồi trước tấm bản đồ Việt Nam khổ lớn, rồi kỹ càng vạch ra những hành trình dọc ngang Đất Mẹ: xuyên Tây Bắc, dọc miền Trung và Tây Nguyên, ven biển bắc bộ, thị sát miền sông nước Tây Nam Bộ, điều tra về các thảm nạn tại những khu công nghiệp ô nhiễm ở thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận…”

Cũng chính từ những chuyến đi dọc ngang đất nước ấy, đã có vô số những thước phim tư liệu, các bức ảnh, các bài báo được ra đời. Và cuộc triển lãm “Hành trình Việt Nam xanh lần” lần này chính là một phần những thành quả có được từ những chuyến đi ấy. Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh, BTV Đài truyền hình Việt Nam- Chủ nhiệm Dự án cho biết : “Chúng ta có thể nói bằng nhiều ngôn ngữ về những trăn trở của mình. Nghệ thuật là một ngôn ngữ kỳ diệu mà các thành viên dự án đã chọn để chia sẻ”

Một trong những tác phẩm khá ấn tượng của triển lãm là sắp đặt tổng hợp 8m2 của tác giả Nguyễn Thế Sơn. Chứng kiến cuộc sống khốn khó, chật chội trong những căn hộ 8m2 của những người công nhân trong các khu công nghiệp, tác giả đã thực sự hiểu được “cuộc sống của con người ngày đêm tham gia trực tiếp vào công cuộc “công nghiệp hoá đất nước”. “Với dự án nhiếp ảnh 8m2 tôi muốn ghi lại những góc nhỏ nhặt nhất trong cái không gian sống chật hẹp đó, tôi muốn mượn hình ảnh những đồ vật sinh hoạt thường ngày của họ để tự chúng cất lên tiếng nói”- Nguyễn Thế Sơn chia sẻ. 

Cũng lựa chọn nghệ thuật sắp đặt để chuyển tải thông điệp tới công chúng, nghệ sỹ Trần Tuấn tái hiện lại hình ảnh ngôi nhà rông với mái lợp là những mảnh vỏ lon các loại trong tác phẩm “Bè rông”. Tác phẩm khiến người xem tiếc nuối, ngậm ngùi cho sự phai nhạt bản sắc văn hoá của một số dân tộc Tây Nguyên. Bè vốn gắn liền với những người dân miền sông nước, thế nhưng với người dân Tây Nguyên vốn quen gắn bó với núi rừng, thì “bè rông ” giờ lại chính là cách để họ thích nghi với môi trường mới khi mà các dự án thuỷ điện được xây mới và làng bản bị nhấn chìm xuống dưới lòng hồ.

Bên cạnh tác phẩm chuyển tải thông điệp về môi trường bằng ngôn ngữ của nghệ thuật sắp đặt, những tác phẩm báo chí, phim, ảnh được thực hiện trong những chuyến đi cũng đã thể hiện những góc nhìn, những trăn trở của những thành viên đã từng chung sức trong dự án “Hành trình Việt Nam xanh”. Đạo diễn Phùng Tú ghi lại những câu chuyện về môi trường trong những thước phim: “Hành trình Việt Nam xanh”, “Câu chuyện cùng non cao”, “Chuyển động xanh” “Đi tìm màu xanh”, “Chuyện non xanh nước biếc”, “Khát vọng ngắn”; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Minh Thu, Đặng Đức Tuệ... cùng nhiếp ảnh gia Na Sơn lại kể những câu chuyện về môi trường bằng những bức ảnh. Hơn ba chục bức được giới thiệu tại triển lãm không có chú thích, cũng không ghi rõ người chụp trong từng tác phẩm. Có lẽ cũng không phải không có lý khi nghe nhà báo Đỗ Doãn Hoàng lý giải: “Chúng tôi đều có một nỗi đau giống nhau”  bởi vậy cũng chẳng có sự rạnh ròi nào giữa những nỗi đau chung ấy. Nỗi đau từ những cánh rừng bị phá trụi, từ những dòng sông bị đào bới, từ những khu công nghiệp khói bụi, bụi hoá chất phủ đầy… Nỗi đau ấy được cất lên để tìm được sự sẻ chia, đồng cảm, để mong nối dài những cánh tay, để có thể cùng nhau hành động cho một Việt Nam xanh.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch- bà Đặng Thị Bích Liên sau khi xem triển lãm chia sẻ rằng, bà thật sự hài lòng với cánh chuyển tải thông điệp của triển lãm này. “Bằng ngôn ngữ của hình ảnh, những đồ vật trực quan sinh động, người xem hiểu được ý nghĩa tầm quan trọng ý nghĩa của việc gìn giữ môi trường.” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Sau một tuần đến với công chúng, triển lãm “Hành trình Việt Nam xanh” cũng đã được khép lại (16/11/2014). 6 tác phẩm là 6 câu chuyện khác nhau về văn hoá, thân phận con người trong bối cảnh môi trường có nhiều biến đổi đã chuyển tải được những thông điệp, những trăn trở của những thành viên của dự án. Một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ rằng “Chúng ta sẽ chung tay để làm gì trong thời gian tới?” cũng đang chở đợi những lời đáp từ những cá nhân, từ cả cộng đồng..