Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi đắng chát của cuộc đời

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cũng “mang tiếng” là có chồng, nhưng cái hương vị hạnh phúc lứa đôi với chị đã dường như quá xa vời.

Mỗi khi nghe ai kể về việc chồng mua cho món quà này, đưa đi chơi chỗ kia, chị chỉ muốn khóc. Nhưng có lẽ, lòng chị đau nhất là khi con mang ảnh bố ra khoe với bạn bè, bởi với thằng bé, bố gần gũi nhất chính là bức hình ấy.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
“Trời ơi, bố đi nước ngoài mà nhìn con như năm 45 thế này à? Tiền gửi về đâu, sao không bảo mẹ lấy ra bồi dưỡng cho có da có thịt...”, hôm nay cũng như bao lần, nghe những lời nói đùa vô tình của người hàng xóm với thằng bé con ngoài cửa, lòng chị như xát muối. Đã bao lần, mỗi khi có ai nhắc đến chồng, chị lại chạnh lòng cho nỗi đắng chát của cuộc đời mình. Nhiều người vẫn bảo, chị vớ được người chồng quá tuyệt, vì đang làm việc ở nước ngoài. Nhưng có ai biết được, chị ngày ngày phải nai lưng ra kiếm tiền để nuôi con một mình và rồi đêm đêm lại một mình ôm con mà mộng mị không yên. Cái người được gọi là chồng chị ấy, có lẽ đang yên ấm ở một nơi xa.

Ở tuổi 30, chị đến với anh qua sự giới thiệu của một người họ hàng. Lúc đó, anh vẫn đang làm việc ở nước ngoài, về nước để thực hiện yêu cầu của bố mẹ là “lấy vợ, sinh con”. Sau đám cưới là những ngày hạnh phúc ngắn ngủi trong đời làm vợ của chị. Khi ấy, chị đã có cảm giác, hình như anh thực hiện nghĩa vụ làm chồng hơi thái quá, nhưng rồi lại gạt đi với lý do “vợ chồng mới mà”. Rồi một tháng, hai tháng trôi qua, chị vẫn chưa có bầu, anh bắt đầu tỏ ra nóng ruột. Chị cũng bắt đầu lờ mờ hiểu ra một điều, anh về nước lấy vợ chỉ để mong có đứa con theo đúng mong muốn của bố mẹ mình. Nhưng phận gái theo chồng, đến lúc này chị cũng mong có con để kéo anh lại gần mình hơn. Sau bốn tháng, chị có bầu, anh hoan hỉ ra mặt, lập tức nói với chị là đến lúc anh phải trở sang bên kia làm việc. Trước ngày đi xa, anh nói: Anh đi bằng ấy năm nhưng vẫn chưa kiếm được chút vốn ra tấm ra miếng. Anh cố gắng sang đó làm ăn thêm một vài năm nữa, rồi sẽ về hẳn với mẹ con em. Em cứ giữ gìn sức khỏe, không phải lo nghĩ nhiều, hàng tháng anh sẽ gửi tiền về...

Một năm, rồi hai năm, rồi ba năm, đến giờ thằng bé đã tròn năm tuổi, anh vẫn mờ mịt ở nơi xa. Ngoài một cuộc điện thoại, dăm ba lá thư điện tử gửi qua email mỗi tháng, rồi vài ba tháng, chị tuyệt nhiên không nhận được một đồng nào từ nơi anh gửi về phụ giúp chị nuôi con. Bạn bè bảo: “Sao lạ vậy, chồng người ta cũng đi lao động ở nước ngoài, hàng tháng đều gửi tiền về cho vợ xây nhà, tậu xe. Hay thằng cha nhà mày không biết làm ăn...”. Chị mang điều thắc mắc ấy hỏi anh qua mail và cũng phải chờ đợi một thời gian mới thấy anh ậm ừ trả lời cho qua chuyện. Nói với bố mẹ chồng, chị không những không nhận được sự an ủi, mà ông bà còn gạt đi: “Thế chị lấy nó chỉ mong hàng tháng được gửi tiền thôi à. Nó còn phải tích lũy chứ...”. Lâu dần, chị cũng không còn trông mong gì ở người chồng nơi xa ấy. Nhưng điều làm chị buồn nhất là những cuộc điện thoại, những lá thư qua internet với thời công nghệ này đâu có tốn kém gì, nhưng cứ thưa dần và chỉ còn là nghĩa vụ anh phải hỏi thăm con mà thôi. Anh tuyệt nhiên không đả động gì đến chuyện trở về với chị, dù nhiều lần chị gặng hỏi, chị gửi mail gợi ý, gọi điện nhắc nhở. Một người quen cũng trở về từ nước ngoài, nơi anh đang làm việc nói với chị: “Nó có vợ con bên ấy rồi, lấy mày chẳng qua để có người chăm sóc bố mẹ nó, có cháu cho ông bà đỡ buồn mà thôi. Tiền làm ra còn nuôi vợ con nó, lấy đâu gửi cho mày”. Chị không tin, không nghĩ chồng mình lại bạc vậy, nhưng đến nay thì đấy là cách giải thích nghiệt ngã nhưng đúng nhất cho hoàn cảnh của chị.

Bạn bè bảo chị “gom tiền và sang bên đấy xem tình hình thế nào”, nhưng chuyện đâu có phải như đi sang con phố bên cạnh để tìm người quen. Hơn nữa, liệu gặp, biết sự thật, thì chị sẽ níu kéo anh được không, khi ngay từ đầu anh đến với chị không phải vì tình yêu. Thời gian cứ trôi, anh cứ biệt tăm không một lời giải thích. Chị cũng không nỡ tự ý bỏ lại bố mẹ anh mà mang con ra đi. Chị thấy đời mình như kẹt chặt trong ngõ cụt. Nhưng điều khiến chị day dứt chính là con. Tội nghiệp thằng bé vẫn hàng ngày đem ảnh của bố ra khoe với bạn bè và hy vọng vào một ngày được bố đưa đi chơi như các bạn.